Wednesday, August 9, 2017

Chủ nghĩa Marx trong khảo cứu và phê bình văn học ở miền Nam Việt Nam (1954-1975)

Huỳnh Như Phương

Trong khảo cứu và phê bình văn học ở miền Nam Việt Nam, chủ nghĩa Marx giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Khác với những trào lưu tư tưởng phương Tây khác, vốn được du nhập vào Sài Gòn cùng với quá trình Âu hóa xã hội, chủ nghĩa Marx bén rễ vào vùng đất này trong điều kiện phong trào dân tộc kết hợp với phong trào cộng sản ngay từ những năm 1930 và đã chi phối đời sống chính trị, xã hội, văn hóa trong thời kỳ chống Pháp. Sự hiện diện của chủ nghĩa Marx ở miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 là sự kéo dài ảnh hưởng từ trước đó trong một bối cảnh đấu tranh tư tưởng và xã hội gay gắt hơn, dữ dội hơn, và vì vậy mà cách tồn tại của nó trở nên linh hoạt và tinh vi hơn.
Chủ nghĩa Marx trong những công trình biên khảo
Thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa, dù trải qua nhiều lần thay đổi nhà cầm quyền, chính thể Việt Nam Cộng hòa nhất quán đặt chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản ở ngoài vòng pháp luật. Ngày 20-2-1956, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ban hành dụ số 13 ấn định biện pháp phạt vạ đối với báo chí và xuất bản: “sẽ bị phạt từ 25.000 đồng đến 1 triệu đồng, và từ 6 tháng đến 5 năm tù, sự truyền tin, xuất bản, phổ biến, nhắc lại bất cứ bằng cách nào, những tin tức hoặc bình luận xuyên tạc lợi cho những hành động cộng sản hay phản quốc gia, dầu những hành động đó có tính cách đoàn thể hay cá nhân”[1].

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Thủ tướng Nguyễn Khánh ban hành sắc luật số 02/64 ngày 19-2-1964 tiếp tục quy định những biện pháp chế tài đối với báo chí hay ấn phẩm đăng tải “những tin tức hoặc bình luận xuyên tạc có tính cách đề cao chủ nghĩa, chủ trương hoặc hành động của cộng sản, cũng như đề cao chủ nghĩa trung lập hóa miền Nam” (Điều 8). Đến những năm cuối của cuộc chiến tranh, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành sắc luật 007/ TT/ SLU ngày 03-8-1972, bổ sung những điều khoản sửa đổi Luật 019/ 69 ngày 30-12-1969 và Quy chế báo chí trước đó với những nội dung và quy định chặt chẽ hơn, trong đó có việc gia tăng hình phạt đối với các vi phạm luật lệ báo chí và phát hành: “Vi phạm điều 29 Quy chế Báo chí (bị kết tội là đã phổ biến các tin tức, tài liệu và luận điệu nhằm đề cao chủ nghĩa, chủ trương hay hành động của Cộng sản hoặc trung lập thân Cộng) chẳng hạn, hình phạt trước đây là tù từ 1 năm đến 5 năm và phạt vạ từ 300.000 đến 1.500.000 ngàn đồng; nay sẽ bị phạt từ 2 năm đến 5 năm và phạt vạ từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng”[2].

Những quy định ngặt nghèo đó có tác dụng ngăn cản và hạn chế việc tìm hiểu, nghiên cứu chủ nghĩa Marx trên địa bàn miền Nam. Trên thực tế đã có hàng trăm vụ việc các nhà báo, nhà xuất bản và văn nghệ sĩ bị đưa ra tòa, bị phạt tiền hay phạt tù vì vi phạm những luật lệ nói trên, chưa kể những biện pháp kiểm duyệt, ngăn chặn xuất bản và các hình thức chế tài khác.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một nền dân chủ hạn chế và một nền tự trị đại học bước đầu, trước đòi hỏi của thực tiễn xã hội và văn hóa đang tìm câu trả lời cho những bức xúc của dân tộc, những nhà nghiên cứu nhiệt huyết và thuần thành vẫn tìm cách giới thiệu chủ nghĩa Marx một cách khách quan, như một trào lưu tư tưởng lớn của thời đại.

Vào cuối những năm 1950 đã xuất hiện một số cuốn sách giới thiệu các tác gia và trào lưu tư tưởng Đông Tây, trong đó có Karl Marx và chủ nghĩa Marx. Dù có dụng ý hay không, trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh lúc đó, khi bày tỏ sự không thiện cảm với chủ nghĩa Marx, một số tác phẩm này cũng nằm trong vùng từ trường của chính sách chống Cộng do Ngô Đình Diệm chủ trương. Chẳng hạn, trong Sứ mệnh văn nghệ, dù thừa nhận “thế giới tư bản Tây phương đầy rẫy thối nát, bất công”, Nguyễn Nam Châu cũng cho rằng “lý thuyết của Marx không có gì vững chắc, vì tự căn bản nó đã không làm thỏa mãn đòi hỏi thâm sâu của con người: con người xao xuyến tìm hiểu thân phận và mục đích cuộc đời, sự hiện hữu của vũ trụ và trí tuệ con người là một mầu nhiệm. Câu trả lời của Marx về thế giới vật chất tự hữu vô mục đích không làm thỏa mãn ai cả. Thành công của chủ nghĩa Mác-xít chỉ ở phương diện xã hội tạm thời. Nó không giúp con người yên tâm về thân phận mình. Thường thường các nhà trí thức, trong đó có các văn nghệ sĩ, vẫn rất bất mãn với thế giới bất công hiện đại, nên dễ bênh cộng sản trên phương diện giải phóng xã hội, kinh tế. Họ không chịu hiểu rằng nguồn gốc của sự bất công và cuộc khủng hoảng thế giới ngày nay không phải chỉ do phương diện xã hội, kinh tế mà thôi”[3].


Đó là chưa kể nhiều nhà lý luận – tuyên truyền đã phác họa một chủ nghĩa Marx giản lược và thô thiển nhằm đề cao chủ nghĩa nhân vị (personnalisme) vốn cũng bị giới thiệu một cách thô sơ và phiến diện không kém. Những tài liệu do Trung tâm Nhân vị ở Vĩnh Long ấn hành thuộc loại đó.

Sau cuộc đảo chính ngày 01-11-1963, đời sống xã hội miền Nam rối ren, các lực lượng chính trị chia năm xẻ bảy, nhưng tình hình đó lại phần nào kích thích và thúc đẩy sự tìm tòi, suy nghĩ của những nhà nghiên cứu. Một loạt công trình về chủ nghĩa Marx có tính cách học thuật đã được thực hiện và ấn hành mà các tác giả chủ yếu thuộc giới đại học.

Điều thú vị là nỗ lực tìm hiểu chủ nghĩa Marx một cách nghiêm túc, khách quan lại được nhen nhóm và khởi phát bởi một số trí thức Công giáo cấp tiến, tập hợp quanh các tờ báo Hành Trình, Đất NướcTrình BầyĐối Diện và các nhà xuất bản Nam Sơn, Trình Bầy, Đối Diện. Trong các công trình về chủ nghĩa Marx đăng trên các tạp chí khuynh tả, bạn đọc miền Nam đặc biệt chú ý loạt bài 25 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc của Trương Bá Cần[4] và bài Cuộc du nhập của chủ nghĩa Mác – Lê vào Việt Namcủa Nguyễn Phương Trạch. Loạt bài thứ nhất, chủ yếu có tính chất tư liệu lịch sử, khiến tạp chí Đối Diện bị tịch thu và đưa ra tòa. Bài thứ hai vốn là bản rút gọn luận án tiến sĩ được bảo vệ tại Đại học Sorbonne, trong đó tác giả nhận xét: “Sẵn có một khả năng đồng hóa dị thường, dân tộc này đã Việt Nam hóa chủ nghĩa Mác-xít, không phải trên bình diện lý thuyết, nhưng là trong việc sử dụng nó để phát triển sức sống của dân tộc. Có lẽ khó mà xác định rõ ràng thế nào là chủ nghĩa Mác-xít Việt Nam. Để nắm vững vấn đề đó, cần phải biết và sống lịch sử của dân tộc này, đặc biệt từ cuộc Cách mạng Tháng Tám và suốt những năm sau này trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ”[5].

Trên lĩnh vực xuất bản, tủ sách “Nghiên cứu xã hội” (Nxb Nam Sơn) do Nguyễn Văn Trung chủ trương là một hoạt động tiêu biểu. Thuộc tủ sách này, Tìm hiểu triết học của Karl Marx (Nxb Nam Sơn, 1965), cuốn sách dày hơn 160 trang chữ nhỏ của Trần Văn Toàn, trình bày mạch lạc và khúc chiết tư tưởng của Marx qua ba vấn đề chính: sự hình thành của hệ thống mác-xít; vong thân[6] – ý niệm then chốt của hệ thống; ý thức cộng sản. Sau khi giới thiệu hai giai đoạn phát triển của triết học Marx, tác giả nêu lên những nhận định chung quanh quan niệm của Marx về cái toàn thể. Chương trọng tâm của cuốn sách dành để bàn về trạng thái vong thân (trong cần lao và trong chính trị) và ý thức vong thân (tôn giáo và ý thức hệ). Trần Văn Toàn đặc biệt nhấn mạnh khái niệm “Praxis” như là đặc trưng của triết học Marx.

Trên cương vị khoa trưởng, sau đó là trưởng ban Triết học Tây phương của Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, Nguyễn Văn Trung có điều kiện phổ biến và khích lệ những tìm hiểu về chủ nghĩa Marx trong một số giảng viên trẻ và sinh viên. Cùng thời gian ra mắt cuốn sách của Trần Văn Toàn nói trên, Nguyễn Văn Trung cho xuất bảnHành trình trí thức của Karl Marx (Nxb Nam Sơn, 1965). Nếu Trần Văn Toàn trình bày triết học Marx như một hệ thống đã hoàn thành, thì Nguyễn Văn Trung miêu tả con đường hình thành tư tưởng của Marx qua những tìm tòi không mệt mỏi.

Tiến thêm một bước nữa, vào đầu những năm 1970, Nguyễn Văn Trung còn cho lưu hành trong phạm vi nhà trường hai tài liệu tham khảo in ronéo Nhận diện Marx vàBài học cách mạng của Lenin. Tài liệu thứ nhất soi chiếu chủ nghĩa Marx từ viễn tượng hiện tượng luận và lý thuyết tiếp nhận, cho thấy độ chênh lệch nhất định giữa quan điểm mác-xít chính thống và quan điểm Marx-học (Marxologie) của G. Lukacs, R. Garaudy, L. Althusser…[7], nhưng chính vì vậy mà cách trình bày của Nguyễn Văn Trung có sức hấp dẫn và lôi cuốn độc giả miền Nam tìm hiểu chủ nghĩa Marx. Tài liệu thứ hai, bản rút gọn được in 61 trang trên tạp chí Đối Diện, tập trung phân tích hai cuốn sách của Lenin: Làm gì? (1902) và Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản quốc tế (1920), chỉ bàn về tư tưởng chính trị. Bài học mà Nguyễn Văn Trung rút ra: “Lenin phê phán thái độ hữu khuynh là mềm dẻo quá đến nổi mất lập trường và phê phán thái độ tả khuynh là cứng rắn quá về nguyên tắc đến nổi chẳng làm gì được hiệu nghiệm, không phải để đưa ra một thái độ ba phải, chiết trung, dung hòa. Thái độ mà Lenin muốn bày tỏ là một thái độ chính đángđúng đắn, không phải quá khích, ôn hòa hay khiếp nhược, vì đó là thái độ xuất phát từ yêu cầu của thực tế. Phân tách thực tế không thể làm khác được,  hoặc phải làm như thế mới đúng. Nhưng đây là điểm quan trọng, sự tôn trọng đòi hỏi của thực tế không có nghĩa là nô lệ thực tế. Tôn trọng thực tế hiện nay để có thể nắm lấy nó, điều khiển nó, đưa nó đến chỗ thay đổi trong tương lai theo mục tiêu của mình”[8].

Nhận định trên đây của Nguyễn Văn Trung chắc hẳn có âm vang của phong trào dân tộc chủ nghĩa đang lên cao ở các thành thị miền Nam lúc đó. Chỉ vài năm sau, khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, ông lại chủ trương một tủ sách mới của nhà xuất bản Nam Sơn: “Tìm về dân tộc” - đây vốn là nhan đề một cuốn sách nổi tiếng của Lý Chánh Trung. Trong tủ sách này, riêng phần mình, Nguyễn Văn Trung công bố ba nghiên cứu công phu về văn học Việt Nam cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20: Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc (Nxb Nam Sơn, 1973); Chủ đích Nam Phong (Nxb Trí Đăng, 1973); Trường hợp Phạm Quỳnh (Nxb Nam Sơn, 1974). Mặc dù đã đề phòng thái độ tả khuynh như trên kia đã nói, trong ba công trình này, Nguyễn Văn Trung đã phê phán, đả kích gay gắt và nặng nề hoạt động của Đông Dương Tạp chí và Nam Phong Tạp chí nói chung, của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh nói riêng. Thật ra đây là sự tiếp nối và phát triển ý kiến mà Nguyễn Văn Trung đã xác tín từ khi viết Lược khảo văn học: “Nam Phong là một thành công rực rỡ về chính sách văn hóa của thực dân. Việc lựa chọn Phạm Quỳnh, một người thông minh có tài làm tay sai văn hóa; việc đánh lừa được dư luận của hàng mấy thế hệ, kể cả những thế hệ sau khi chế độ thực dân cũ đã cáo chung, cũng là những thành công rực rỡ hơn”. Theo Nguyễn Văn Trung, “chính sách văn hóa của Pháp là chính sách thực dân bằng sách báo và lợi khí tranh đấu là lợi khí của chính những người yêu nước làm cách mạng đã dùng chữ quốc ngữ mà thực dân giựt lại. Nói cách khác, Nam Phong là Đông Kinh Nghĩa Thục của Pháp…”[9]. Cách đánh giá này rõ ràng chịu ảnh hưởng của quan điểm phê bình mác-xít trong học giới miền Bắc, thậm chí có chỗ rất gần với những nhà phê bình mác-xít cứng rắn nhất. Tuy vậy, ba cuốn sách nói trên vẫn là những tài liệu tham khảo cần thiết, vì tác giả đã cung cấp nhiều chứng liệu gốc được sưu tầm từ một số thư viện và kho lưu trữ ở Pháp mà các nhà nghiên cứu ở Việt Nam lúc đó không dễ dàng tiếp cận.

So với Nguyễn Văn Trung, hai nhà nghiên cứu thuần túy phục vụ việc giảng dạy và ít bị chính trị hóa ở đại học là Lê Tôn Nghiêm và Trần Thái Đỉnh.

Trong cuốn sách Những vấn đề triết học hiện đại, gồm tám chương, Lê Tôn Nghiêm dành chương 7 để bàn về “Ý hệ mác-xít với xã hội học”. Mặc dù ghi nhận “yếu tố ảo tưởng” trong viễn cảnh xã hội mà triết học Marx phác vẽ, tác giả đã viết những lời nồng nhiệt về tính độc đáo của nhà tư tưởng này:
       “Chính Marx là một người xuất thân từ truyền thống của Đại học nhưng đã ly khai với triết lý trừu tượng và rất chú trọng đến những vấn đề phương pháp, vì theo ông, điều cần thiết cho xã hội chủ nghĩa là một lý thuyết rất khoa học, một lý thuyết có khả năng chứng minh rằng: công việc lật đổ trật tự xã hội hiện tại không những là một việc nên làm mà còn là một việc phải làm.
       “… Marx cũng đã tin tưởng rằng: lịch sử là một quá trình nhất định và liên tục. Một trong những mạo hiểm lớn của triết lý Hegel mà ông đã được hấp thụ là xây dựng một thế giới sử quan có tính cách liên tục như thế.
       “Nhưng một cách bất khuất hơn và hơn ai hết, Marx lại tin tưởng rằng: chỉ có một Cách mạng triệt để và toàn diện mới hy vọng lật đổ được trật tự xã hội hiện hữu[10].

Hai năm sau đó, Trần Thái Đỉnh cho xuất bản cuốn Biện chứng pháp là gì?. Tiếp theo các chương bàn về “Biện chứng pháp duy niệm của Platon”, “Biện chứng pháp duy linh của Hegel”, Trần Thái Đỉnh dành 68 trang sách để phân tích “Biện chứng pháp duy vật của Karl Marx”. Sau khi tóm tắt những luận điểm mà Marx đưa ra để phê bình biện chứng pháp Hegel, tác giả trình bày thuyết duy vật sử quan của Marx, trong đó mô tả những hình thức vong thân của con người (vong thân tôn giáo, vong thân triết học, vong thân chính trị, vong thân xã hội, vong thân kinh tế) và giải pháp của Marx để chấm dứt vong thân. Xem biện chứng pháp duy vật là xương sống phương pháp luận của thuyết duy vật sử quan, Trần Thái Đỉnh đã mượn lời những học giả mà ông gọi là “theo tư tưởng Marx” (marxiens) và “ngả theo Marx” (marxisants) như H. Lefèbvre, F. Chatelet, R. Garaudy, J.-P. Sartre… để nói lên những giới hạn của học thuyết và phương pháp này[11].

Chủ nghĩa Marx trong những tiểu luận phê bình

Những công trình trên đây nghiên cứu chủ nghĩa Marx dưới góc độ triết học và thế giới quan, đi vào cốt lõi của học thuyết, có chiều sâu khoa học, nên chỉ phổ biến trong phạm vi giới trí thức, sinh viên. Cùng lúc đó, những công trình có tính chất tiểu luận phê bình văn học lại khai thác chủ nghĩa Marx dưới góc độ nhân sinh quan, nhấn mạnh tính chất dân tộc để đáp ứng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới lúc đó, nên được đông đảo văn nghệ sĩ, độc giả văn chương đón nhận. Khác với những nghiên cứu hàn lâm, căn bản và giàu tính học thuật nói trên, những tiểu luận văn hóa và văn học hấp dẫn người đọc nhờ sự diễn đạt dễ hiểu, thẳng thắn, nhiệt huyết về những vấn để thiết thân với đời sống xã hội và con người. Tuy nhiên, về lâu dài, khi trình độ của độc giả được nâng lên, những tiểu luận này, vốn chỉ khai thác một phương diện của chủ nghĩa Marx, mất đi tính thời sự và có thể đem lại một nhận thức chưa toàn diện về học thuyết này.

Các tác giả của loại sách thứ hai này xuất hiện với tư cách nhà phê bình hơn là nhà khảo cứu. Đó là Cô Thanh Ngôn (tức Triệu Công Minh) với Đường lối văn nghệ dân tộc (Nxb Gió Đông, 1967), Lữ Phương với Mấy vấn đề văn nghệ (Nxb Trình Bầy, 1967); Lương Sơn/ Hoàng Hà với Công việc viết văn (Nxb Gió Đông, 1967), Vũ Hạnh với Đọc lại Truyện Kiều (Nxb Cảo Thơm, 1966) và Tìm hiểu văn nghệ (Nxb Trí Đăng, 1970), Trần Trọng Phủ/ Thế Nguyên với Nghĩ gì 1 (Nxb Trình Bầy, 1967), Nghĩ gì 2 (Nxb Trình Bầy, 1969), Cho một ngày mai mơ ước (Nxb Trình Bầy, 1972); Nguyễn Trọng Văn với Phạm Duy đã chết như thế nào? (Nxb Văn Mới, 1971) Một số cuốn sách này vốn là những bài báo được sửa chữa, bổ sung và tập hợp lại theo một cấu trúc hợp lý nhằm truyền đạt tinh thần của mỹ học mác-xít. Những dẫn chứng sau đây cho thấy điều đó.

Dưới bút danh Cô Thanh Ngôn, Triệu Công Minh viết cuốn Đường lối văn nghệ dân tộc do nhóm Gió Đông xuất bản (1967). Cuốn sách đặt ra và giải quyết những vấn đề nóng bỏng của văn nghệ miền Nam lúc đó, khi quân Mỹ đổ vào miền Nam tiếp sức cho chính quyền quân sự kéo dài chiến tranh: “Giữa đám rừng văn nghệ, chọn con đường nào?”, “Văn nghệ dân tộc phải như thế nào?”, “Xây dựng điển hình văn nghệ dân tộc”. Đường lối văn nghệ mà tác giả khẳng định không gì khác hơn là phục vụ dân tộc và nhân dân. Cuốn sách khẳng khái kết luận: “Lực lượng dân tộc là một lực lượng sản xuất vĩ đại, một năng lực chiến đấu bất khuất, oai hùng, một kho tài liệu vô giá để làm đề tài, lực lượng ấy còn là một ông thầy, một người bạn trong công việc sáng tạo và phê bình văn nghệ. […] Con người làm  văn nghệ bao giờ cũng phải coi mình như một cội cây mà nhơn dân dân tộc là đất, là lòng mẹ. Cây có đất mới đâm rễ nẩy chồi, đơm bông kết trái”[12].

Cuốn sách của Cô Thanh Ngôn còn in một “phần phụ” là tiểu luận “F. Sagan: một hình thái văn chương phản dân tộc”, từng được trích đăng trên tạp chí Tin Văn. Tác giả gọi đây là “chủ nghĩa sanh tồn vô trách nhiệm”, thậm chí là “tên tội phạm cũ đổi tên”. Ông quy kết nhà văn hiện sinh này khá nặng nề: “Trong những tác phẩm của F. Sagan vẫn là cái thế giới đồi trụy, vẫn là cái môi trường sa đọa ấy, vẫn là những con người lặn hụp trong cái vũng nước ao tù của giai cấp trưởng giả, thừa thãi của tiền”[13].

Từ đó, Cô Thanh Ngôn liên hệ đả kích những người tham gia dịch thuật, xuất bản và phổ biến tác phẩm của Sagan mà ông gọi là “lực lượng thoái hóa nảy trong văn chương thoái hóa”: “Những kẻ ấy vô tình hoặc cố ý làm công cụ cho âm mưu thâm độc của đế quốc thực dân và những tay sai phản dân tộc. Tác phẩm của Sagan là một thứ thuốc độc bọc đường nhằm ru ngủ thanh niên trong các thành thị, làm kiệt quệ tinh thần tranh đấu, làm cho họ quên mất cuộc sống to lớn trong đó hàng chục triệu người đang hy sinh xương máu, đang đổ mồ hôi nước mắt để đổi lấy hạnh phúc tự do”[14]. Phải đặt trong hoàn cảnh cực đoan của xã hội miền Nam lúc đó mới thấu hiểu nỗi bức xúc của những người trí thức ưu tư với vận mệnh dân tộc như Cô Thanh Ngôn. Tuy nhiên, đứng về góc độ khoa học, nếu gọi tác phẩm của Sagan là “văn chương phản dân tộc”, thì “dân tộc” ở đây nên hiểu là dân tộc Pháp hay dân tộc Việt Nam?

Cuốn Tìm hiểu văn nghệ của Vũ Hạnh vốn là loạt bài “Chín điểm trong văn nghệ” đã đăng trên Tin Văn. Chín điểm ấy trở thành chín chương của cuốn sách: “Văn nghệ - một hình trạng ý thức”, “Chức vụ cao cả của văn nghệ”, “Văn nghệ tác động như thế nào”, “Văn nghệ phản ánh bản chất thực tại”, “Bên trong văn nghệ sĩ và bên ngoài cuộc đời”, “Một số biểu hiện tiêu cực trong văn nghệ”, “Hình tượng trong văn nghệ”, “Hai chân bốn cẳng”, “Thạch Sanh - nghệ sĩ số một”. Cuốn sách giới thiệu một cách khúc chiết, sơ giản, với một giọng văn nồng nhiệt, trôi chảy của một người sáng tác, những vấn đề về phản ánh luận, tính hình tượng, chức năng của văn nghệ, trách nhiệm của văn nghệ sĩ…, cho thấy sự gặp gỡ và đồng điệu với những gì mà lý luận văn nghệ mác-xít ở miền Bắc đã truyền bá hơn 30 năm.

Cuốn Mấy vấn đề văn nghệ của Lữ Phương tập hợp loạt bài “Tìm hiểu tác phẩm văn chương” và một số bài viết khác đã đăng trên Tin Văn. Về lý thuyết, cùng vận dụng tư tưởng mỹ học mác-xít, nhưng nếu cuốn sách của Vũ Hạnh quan tâm những vấn đề thuộc về “nguyên lý”, thì cuốn sách của Lữ Phương chú trọng đến những vấn đề nội dung và hình thức của tác phẩm văn học. Về thực tiễn, Lữ Phương đã phê phán khá gay gắt, và không tránh khỏi bất công, với giọng văn bút chiến, một số hiện tượng “văn học tiền chiến”, “văn học thoát ly”, “văn học hiện sinh”… Bàn về vấn đề tự do trong văn nghệ, ông viết: “Trong xã hội ta ngày nay, tự do đích thực trong văn nghệ không thể không hướng về tố cáo bất công, thối nát để kêu đòi cho quyền sống của đông đảo những con người thua thiệt từ lâu. Chỉ có được nuôi dưỡng bằng thứ tự do đó, chỉ có chiến đấu cho thứ tự do đó, văn nghệ mới mong biện minh được cho sự hiện diện của mình trong đời sống con người – ít nhất là trong đời sống hiện tại của chúng ta”[15]. Luận điểm này chắc hẳn ngày nay vẫn còn ý nghĩa thời sự.

Là kết quả trên chặng đường đầu của một nhà nghiên cứu trẻ tuổi, dấn thân, những thu hoạch về mỹ học mác-xít của Lữ Phương không tránh khỏi sơ lược,  điều mà sau này ông sẽ khắc phục dần với tư cách là một học giả chín chắn, sâu sắc về chủ nghĩa Marx.

Cuốn Công việc viết văn của Lương Sơn cũng vốn là loạt bài đã đăng trên Tin Văn, có nhan đề “Tin Văn luyện bút”. Thay vì đi vào những vấn đề nguyên lý như Vũ Hạnh, Lương Sơn thiên về những vấn đề thể loại và phương pháp viết văn. Tuy nhiên, trong khi bàn về đặc điểm các thể loại hay nghệ thuật hành văn, Lương Sơn không xa rời những nguyên tắc của mỹ học mác-xít: đề cao tính hiện thực, tính tư tưởng, chống bệnh hình thức chủ nghĩa…
        
Ảnh hưởng gián tiếp của chủ nghĩa Marx còn thể hiện trong những cuốn sách Thi văn quốc cấm thời Pháp thuộc của Thái Bạch, Văn chương tranh đấu miền Nam của Nguyễn Văn Sâm, Tìm về dân tộcBọt biển và sóng ngầm của Lý Chánh Trung, Cho cây rừng còn xanh láNước ta còn đó của Nguyễn Ngọc Lan...
        
Trên bề mặt đời sống phê bình văn nghệ miền Nam thời kỳ này, gây sôi động nhất là những bài phê bình trên báo chí, hô ứng với những tiểu luận văn hóa văn nghệ nói trên. Có thể xếp những bài phê bình này thành ba tiểu loại:

Một là những bài viết trực tiếp hay gián tiếp hưởng ứng chủ trương của những người cộng sản lúc đó: sau 1954 là đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước; sau 1965 là đấu tranh chống ảnh hưởng về chính trị, văn hóa, văn nghệ của Mỹ khi quân Mỹ đổ vào miền Nam. Sự liên kết của trí thức, văn nghệ sĩ ở giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn do chính sách tố Cộng của Ngô Đình Diệm, nhiều người bị cầm tù, nhiều người phải ra chiến khu, một ít người còn bị trục xuất ra miền Bắc. Sang giai đoạn sau, bộ mặt thật của Mỹ bộc lộ, lẽ phải thuộc về các lực lượng dân tộc, dân chủ và nhân quyền, nhiều tổ chức xã hội được hình thành, quy tụ trí thức, văn nghệ sĩ: Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc, Lực lượng Quốc gia tiến bộ, Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống…

Chưa đầy một năm sau khi những đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên cửa biển Đà Nẵng, ngày 20-4-1966, 118 văn nghệ sĩ ở Sài Gòn ra Tuyên ngôn phản đối quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam, khẳng định “không đứng trên lập trường nào khác là lập trường dân tộc, không theo chủ nghĩa nào khác là chủ nghĩa yêu nước, không thiên về lý tưởng nào khác là lý tưởng dân chủ, tự do thực sự”[16]. Ngày 06-6-1966, tạp chí Tin Văn ra đời theo chỉ đạo của Đảng ủy khối Văn hóa Khu Sài Gòn - Gia Định, nêu rõ chủ trương: “góp vào tiếng nói của những người Việt Nam tự hào bất khuất, yêu công bằng và tự do” và “hân hoan đón chào tất cả mọi khuynh hướng, quan niệm sáng tác, phong cách thể hiện, ngoại trừ khuynh hướng chống lại dân tộc bằng những hình thức lố lăng, sa đọa”[17]. Ngày 07-6-1966, Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc được thành lập nhằm “chống lại khuynh hướng văn hóa đồi trụy, lai căng; để chấn hưng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”…

Trong giai đoạn này, nhiều bài nghị luận về văn hóa dân tộc xuất hiện trên Tin VănĐất NướcĐối DiệnTrình BầyTự QuyếtVăn MớiÝ Thức… như  “Vấn đề văn hóa dân tộc với nhà giáo”, “Con đường văn nghệ dân tộc ngày nay” của Lữ Phương, “Văn hóa và mạo hóa” của Vũ Hạnh, “Vinh quang của người cầm bút”, “Bảo vệ phê bình và sinh hoạt dân chủ trong văn nghệ” của Nguyễn Ngọc Lương[18], “Bảo tồn, phát huy văn nghệ dân tộc là trách nghiệm của tất cả chúng ta” của Hoàng Hà, “Văn hóa, võ khí bảo vệ dân tộc” của Lý Chánh Trung, “Văn hóa trong tự do” của Nguyễn Ngọc Lan, “Hiện tình văn hóa miền Nam” của Quán Như, “Sứ mệnh nhà văn Việt Nam” của Sâm Thương…

Tiêu biểu cho thái độ dứt khoát về chính trị và văn hóa là loạt bài “Trí thức khuynh tả”, “Trí thức khuynh tả ở Việt Nam”, “Trí thức và trí thức” của Nguyễn Trọng Văn đăng trên Tạp chí Đối Diện năm 1971. Tác giả xác định: “Khuynh tả là một hiện tượng lịch sử buổi giao thời, nó chỉ xảy ra tại những nơi có cuộc tranh chấp Cộng sản – Thực dân và Cộng sản chưa thực sự nắm quyền; khuynh tả là một thái độ giai đoạn phản ảnh một khúc quanh của lịch sử; khi điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị… thay đổi, thái độ khuynh tả không còn nữa”[19]. Phê phán quan niệm về trí thức khuynh tả của Raymond Aron trong cuốn Thuốc phiện của trí thức, so sánh với trí thức khuynh tả tại Pháp, Nguyễn Trọng Văn giải thích lập trường của thế hệ mình: “Theo hay chống Cộng không phải là theo hay chống một lý thuyết mà là theo hay chống những con người cụ thể, yêu nước nhiệt thành: người anh tập kết ra Bắc, bà già bế cháu đứng đầu làng, đứa trẻ giao liên lanh lợi, những toán bộ đội dũng cảm, thân yêu, trong đó có cha, có chú, có anh em, có bạn hữu của mình…; do đó khuynh tả là một thái độ chính trị, đượm màu sắc tình cảm, đạo đức hơn là thuần túy trí thức. […] Thân Cộng hay chống Cộng trong trường hợp ở Việt Nam là trở lại với bạn bè, dân tộc, với anh hùng, với lịch sử hoặc phản bội lại bạn bè, dân tộc và lịch sử chứ không phải là một thái độ khảo cứu thuần túy”[20].

Kết thúc loạt bài gây tiếng vang này, tác giả khẳng định: “Thái độ khuynh tả của trí thức, cuộc tranh đấu của sinh viên học sinh và các lực lượng tiến bộ khác ở các thành thị miền Nam phản ảnh sự rạn nứt của xã hội hiện tại trước sức mạnh cách mạng đang lên. Tất cả cho thấy ý chí quyết chiến đấu cho quyền sống xứng đáng của con người song song với ý muốn góp phần cùng toàn dân vào cuộc tranh đấu cho độc lập, tự do và hòa bình của đất nước. Đó cũng là muốn trở lại với truyền thống kháng chiến vô cùng hiển hách có từ hàng nghìn năm nay của dân tộc”[21]. Có lẽ chưa bao giờ quan điểm mác-xít được phát biểu công khai và dõng dạc như thế giữa lòng Sài Gòn thời chiến.

Loại thứ hai, như là hệ quả của quan niệm văn hóa, văn học đề cao truyền thống dân tộc trên đây, là những bài phê bình một số hiện tượng văn học bị xem là “phi luân, sa đọa và đồi trụy”. Những bài viết này chinh phục một bộ phận quần chúng đang lo âu trước sự suy đồi của phong hóa, đạo đức; nhưng nhà cầm quyền không có lý do để ra mặt ngăn cản, tuy vẫn biết đây là sản phẩm cuộc vận động của những người cộng sản. Có thể kể một số bài viết thuộc chủ đề này: “Nhận xét về những tác phẩm của ‘thần tượng’ F. Sagan” của Cô Thanh Ngôn, “Đọc Một mình của Võ Phiến”, “Chu Tử và tác phẩm” của Lữ Phương; “Hiện tượng dâm ô, đồi trụy của văn hóa hiện nay” của Nguyễn Ngọc Lương; “Nhân đọc Vòng tay học trò, gửi Nguyễn Thị Hoàng”; “Lao vào lửa nhưng đừng bị để chết cháy” của Lê Nguyên Trung[22]; “Văn nghệ trước những mưu đồ bất chính của hệ thống chiến tranh lạnh” của Thế Nguyên…

Phục vụ trực tiếp và kịp thời cuộc đấu tranh tư tưởng lúc đó, những bài viết nói trên cho thấy tinh thần dũng cảm và bản lĩnh của các tác giả, đồng thời không tránh khỏi tính chất cực đoan, chưa thực sự “cận nhân tình” trong một bối cảnh phức tạp của đất nước và văn học. Về sau này, vì sự cẩn trọng cần thiết đối với con người, các tác giả ít khi đưa những bài viết này vào sách.

Loại bài phê bình thứ ba hướng đến việc xây dựng một nền văn học có tinh thần dân tộc, yếu tố dân chủ, thể hiện chủ yếu qua sáng tác của những cây bút trẻ. Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Nguyên, Lữ Phương, Thế Nguyên, Nguyễn Trọng Văn… thường viết bài cổ vũ, bênh vực tác phẩm của Trần Quang Long (Bông cúc vàng), Ngô Kha (Ngày hội lớn), Nguyễn Quốc Thái (Những cánh bồ câu mơ ước), Trần Hữu Lục (Hát rong trên đồng), Trần Duy Phiên (Trước khi mặt trời mọc), Nguyễn Quang Tuyến (Quê hương rã rời), Ngô Thế Vinh (Vòng đai xanh), Tôn Thất Lập (Hát cho dân tôi nghe), Đông Trình (Rừng dậy men mùa), nhóm Hướng Dương (Những cánh chim bay và Những trái tim hồng) và những cây bút trong phong trào sinh viên học sinh.

Ảnh hưởng của mỹ học mác-xít

Ảnh hưởng của mỹ học mác-xít đối với sáng tác văn nghệ ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 diễn ra theo hai hướng: trực tiếp và gián tiếp. Ảnh hưởng trực tiếp bộc lộ qua tác phẩm của những nhà văn vốn là đảng viên cộng sản hoặc từng tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, sau Hiệp định Genève được cách mạng bố trí ở lại hoạt động trong nội thành như Lý Văn Sâm, Trần Hữu Trang, Viễn Phương, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa, Dương Tử Giang, Vũ Hạnh, Kiên Giang, Chinh Ba… Ảnh hưởng trực tiếp cũng có thể thấy nơi tác phẩm của một số nhà văn bắt liên lạc, tiếp xúc hay nhận chủ trương được truyền đạt từ những cán bộ cộng sản Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Bổng…

Ảnh hưởng gián tiếp qua sách báo hay làn sóng phát thanh từ miền Bắc, qua nghiên cứu, giảng dạy trong nhà trường hay sáng tác của lớp nhà văn đàn anh nói trên, tuy tản mạn, nhưng từng bước thấm sâu trong lực lượng cầm bút trẻ. Đặc biệt, đây là những sinh viên, nhà giáo tham gia phong trào yêu nước, có thực tế đấu tranh chính trị và văn hóa, có đường hướng sáng tác rõ ràng.

Nhìn chung có thể thấy mỹ học mác-xít thấm đượm và khúc xạ vào sáng tác văn nghệ ở miền Nam qua bốn phương diện sau đây:

Một, chủ nghĩa Marx hòa trộn với chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc. Lòng yêu nước, yêu truyền thống lịch sử, tinh thần dựng nước và giữ nước vốn tích lũy và âm ỉ trong mọi tấm lòng Việt Nam, trước sự can thiệp của Mỹ, được ý thức đấu tranh theo tinh thần mác-xít làm bùng dậy. Trên thực tế, nhiều văn nghệ sĩ trẻ ở miền Nam chưa hiểu sâu về chủ nghĩa Marx, nhưng họ đã chọn học thuyết này như một tư tưởng có sức mạnh đối kháng lại lực lượng ngoại xâm mà họ không chấp nhận. Những tác phẩm của những nhà văn cách mạng như Lý Văn Sâm (Chuông rung trên tháp đổ), Viễn Phương (Tình Yên PhượngSắc lụa Trữ La), Lê Vĩnh Hòa (Trăng lu, Người tị nạn, Chiếc áo thiên thanh), Vũ Hạnh (Lửa rừng, Mùa xuân trên đỉnh non cao)… công bố ở Sài Gòn sau 1954 đều tập trung thể hiện chủ đề tình dân tộc, nghĩa đồng bào, khát vọng thống nhất đất nước.

Hai, mỹ học mác-xít khích lệ văn nghệ sĩ khai thác hiện thực đời sống phong phú của thời đại như một nguồn cảm hứng làm nên giá trị nhận thức của tác phẩm. Nhờ ảnh hưởng của tư tưởng mác-xít, văn nghệ miền Nam không lảng tránh những vấn đề nóng bỏng của xã hội, không bàng quan với cuộc sống của các tầng lớp nhân dân ở nông thôn và thành thị. Trong bài “Con đường chúng tôi đi”, lời mở đầu số ra mắt nguyệt san Văn Mới, ban chủ biên viết:


“Chúng ta không thể và không có quyền ru ngủ chính chúng ta, cũng như không thể và không có quyền ru ngủ ai khác thêm nữa. Cuộc đời chung quanh, trước mặt, sau lưng chúng ta đó, cuộc sống mầu nhiệm quý báu nơi chúng ta đó, hãy đón nhận nó, hãy sống nó, hãy lặn hụp trong nó, hãy hòa tan với nó như muối trong nước. Hãy rung động thực sự với nó, vì nó. Với tất cả khiêm nhường và vô vụ lợi. Hãy thôi đi, hãy ngừng lại những kinh nghiệm vay mượn, tưởng tượng, giả tạo và hời hợt để đi tìm những kinh nghiệm đích thực, sống động và sâu sắc. Cái rung động mà chúng ta muốn người khác cảm thấy, chúng ta phải cảm thấy nó trước trong chúng ta. Làm sao chúng ta có thể lôi cuốn được nhịp đập con tim người khác trong khi cái nhịp đập con tim chúng ta chỉ là cái nhịp đập rời rạc, vay mượn của những người bệnh hoạn, thiếu máu, bất lực!”[23].
          
Như vậy là đề cao hiện thực đời sống nhưng không rơi vào thái độ khách quan chủ nghĩa, mà gắn kết khách quan với chủ quan, hiện thực với tâm hồn, đó cũng là tinh thần của mỹ học mác-xít.
          
Ba, văn nghệ yêu nước ở miền Nam thừa hưởng tình yêu thương con người, nhất là những người bị bách hại trong xã hội phân hóa giai cấp lúc đó, một mặt, từ truyền thống nhân ái của văn hóa dân tộc, mặt khác, kết hợp với tinh thần nhân văn trong các trước tác của Marx thời trẻ. Viễn cảnh về một xã hội không còn áp bức, bóc lột thúc giục những văn nghệ sĩ cầm bút theo sự vẫy gọi của tương lai, tuy mơ hồ, nhưng gieo vào lòng người niềm hy vọng về một thay đổi tốt đẹp hơn cho cuộc sống và con người. Trong bài xã luận “Văn nghệ và thực tại của dân tộc”, Ban biên tập Tạp chí Trình Bầy viết:
         
“Tranh đấu cho một nền văn hóa của ngày mai tức là phải khước từ ‘tính chất hàng hóa’ mà cái hệ thống xã hội đang muốn tập tành tư bản ở đây đã muốn gán cho các nghệ phẩm, là khước từ vai trò ‘làm đẹp’, ‘biện minh’ cho sự hiện hữu của những thực tại suy đồi. Đó cũng chính là tranh đấu nhằm thay đổi cái thực tại hủ bại của dân tộc hiện nay. Bởi vì, nếu sự tranh đấu của văn nghệ có đóng góp của một chút nào vào việc làm thay đổi thực tại ấy thì chỉ sự thay đổi này mới có thể giải thoát cho văn nghệ khỏi tình trạng vong thân mà thôi”[24].
          
Bốn, mỹ học mác-xít truyền cho văn nghệ yêu nước và hiện thực ở miền Nam tinh thần chiến đấu chống lại những bất công xã hội và những ràng buộc đối với tự do của con người. Tinh thần chiến đấu đó thể hiện rõ qua những ca khúc xuống đường, những bài ca tranh đấu của các nhạc sĩ sinh viên trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”: Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, La Hữu Vang, Nguyễn Phú Yên, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Tuấn Kiệt… Tác phẩm của họ đứng về phía những người bị áp bức (người cha bến tàu, người mẹ Bàn Cờ, người thiếu nữ trong nhà lao Thừa Phủ…) mang đậm đà tình tự dân tộc trong hoàn cảnh đen tối của xã hội miền Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào văn nghệ sinh viên đã đi từ tinh thần “Hát cho đồng bào tôi nghe” đến “Hát cùng đồng bào ta”. Trong lời tựa tập nhạc Hát cùng đồng bào ta (Chúng ta đã đứng dậy, tập 2) Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, viết những lời lẽ quyết liệt:
           
“Đất dội thì cây rung, gió rừng gọi vang thì cây xanh đáp lời, hát lên cung đàn hòa điệu… Giữa đêm tối chiến tranh do ngoại bang và tay sai bán nước gây nên, người nhạc sĩ sinh viên miền Nam luôn luôn mở to đôi mắt trong từng đêm không ngủ, lắng nghe lời réo gọi Bắc Nam, đốt những ánh lửa căm thù trên phố phường để nung lòng chiến đấu. […] Đã đến lúc tiếng hát từ những công trường, bến tàu, những phường xóm lao động phải được cất cao. Những sức mạnh công nhân thợ thuyền đấu tranh phải chuyển rung thành bản Hùng ca đập tan bọn cai thầu hút máu, bọn chủ nhân bóc lột. Những bước chân rầm rập bất khuất xuống đường trên các thành phố Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn và các thành thị khác tại miền Nam đang kết thành bản Hành ca hùng vĩ nhất đạp xô đi lũ tay sai bán nước, phá tan tành quân xâm lược, và đồng bào ta đang đứng lên làm chủ đất nước ta. Những tiếng nói chân thực từ con tim, từ tâm huyết đi nối kết tình nghĩa Bắc Nam đang tấu lên những khúc Tình ca tuyệt diệu biến ước mơ thành tình cảm chiến đấu […]. Âm nhạc đang được giải phóng toàn diện”[25].
           
Như vậy, trên quan điểm mác-xít, nghệ thuật chính là hành động và điều này thể hiện không chỉ trong nội dung tác phẩm mà cả trong hoạt động của người sáng tác, vừa với tư cách nghệ sĩ, vừa với tư cách công dân. Hệ quả là nhiều trường hợp văn nghệ sĩ bị kết án, đày ải, giam cầm, bị cấm xuất bản tác phẩm, có những người lên chiến khu, trở thành văn nghệ sĩ cách mạng.

Mấy nhận xét

Nhìn lại sự tiếp nhận và ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx ở các thành thị miền Nam, có thể nêu ra mấy nhận xét như sau:

Thứ nhất, dấu ấn của chủ nghĩa Marx trong nhà trường tuy có chiều sâu nhưng thiên về lý thuyết, sách vở. Chính ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội và nghệ thuật mới mang tính thực tiễn, liên quan đến khát vọng độc lập dân tộc và công bằng xã hội. Chế độ Việt Nam Cộng hòa có thể làm ngơ chủ nghĩa Marx lý thuyết, nhưng không thể chấp nhận chủ nghĩa Marx thực tiễn có khả năng làm suy yếu sự tồn tại của nó.
          
Thứ hai, đó là chủ nghĩa Marx gắn với chủ nghĩa dân tộc, gắn với truyền thống phương Đông nên cũng không hoàn toàn là chủ nghĩa Marx đúng nghĩa. Do hoàn cảnh bó buộc, và do tầm đón nhận của công chúng lúc đó, mà những khía cạnh như tính Đảng, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không thể được truyền bá công khai ở Sài Gòn như ở miền Bắc. Từ đó, hình dung của văn nghệ sĩ yêu nước ở miền Nam về chủ nghĩa Marx thực sự cũng còn đơn giản, một chiều.
          
Thứ ba, chủ nghĩa Marx qua lăng kính của học giới lúc đó là một thực thể bị khúc xạ qua sự “phân vân” giữa truyền thống (chủ nghĩa dân tộc) và hiện đại (chủ nghĩa hiện sinh vô thần), vì vậy mang một bộ mặt hấp dẫn, lôi cuốn cả thành phần trí thức tinh hoa lẫn thành phần trí thức trẻ khát khao cái mới, khát khao sự thay đổi. Họ hy vọng tìm thấy nơi chủ nghĩa Marx một lối thoát không chỉ cho thực trạng bi đát của đất nước mà cả cho tình cảnh bế tắc của văn nghệ đương thời.
         
Chính vì vậy mà từ 1975 trở về sau, những nhà nghiên cứu chủ nghĩa Marx trên bình diện học thuật và những văn nghệ sĩ sáng tác dưới ảnh hưởng của mỹ học mác-xít ở miền Nam mới có điều kiện nhận thức đầy đủ thế nào là chủ nghĩa xã hội hiện thực để đối chứng với niềm tin trước đây của họ. 



[1] Theo Thế Nguyên: “Báo chí và xuất bản miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy”, trong Văn hóa, văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy, Tập II, Nxb Văn Hóa, Hà Nội, 1979, tr. 241.
[2] Thế Nguyên: “Sắc luật 007 và bộ mặt mới của báo chí miền Nam”, Tạp chí Trình Bầy, số 42, ngày 02-9-1972, tr. 68-73.
[3] Nguyễn Nam Châu: Sứ mệnh văn nghệ, Nxb Đại Học, Huế, 1958, tr. 155.
[4] Tạp chí Đối Diện số 14, tháng 8-1970; số 15, tháng 9-1970; số 16, tháng 10-1970 ; in lại thành: Trương Bá Cần: 25 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Tạp chíChọn, số 13-14, ra ngày 30-10-1971. Vì loạt bài này, Linh mục Trương Bá Cần, tác giả, và Linh mục Chân Tín, chủ nhiệm Tạp chí Đối Diện, bị kết án mỗi người 6 tháng tù, nhưng thực tế không bị bắt giam.
[5] Nguyễn Phương Trạch: “Cuộc du nhập của chủ nghĩa Mác – Lê vào Việt Nam”, Tạp chí Đối Diện, số 28, tháng 10-1971, tr. 30.
[6] “Aliénation”, trước đây ở miền Bắc và hiện nay thường dịch là “tha hóa”.
[7] Trên quan điểm mác-xít, các tác giả này từng bị phê phán gay gắt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những ý kiến của họ được nhìn nhận thỏa đáng hơn, ngay cả ở Việt Nam, chẳng hạn xem Phương Lựu: Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Marx phương Tây, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2007.
[8] Nguyễn Văn Trung: “Bài học cách mạng của Lenin”, Tạp chí Đối Diện, Sài Gòn, số 18, tháng 12-1970, tr. 60.
[9] Nguyễn Văn Trung: Lược khảo văn học, tập III, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn, 1968, tr. 87, 99.
[10] Lê Tôn Nghiêm: Những vấn đề triết học hiện đại, Nxb Ra Khơi, Sài Gòn, 1971, tr. 326, 327.
[11] Trần Thái Đỉnh: Biện chứng pháp là gì?, Nxb Văn Mới, Sài Gòn, 1973, tr. 129-196.
[12] Cô Thanh Ngôn: Đường lối văn nghệ dân tộc, Nxb Gió Đông, Sài Gòn, 1967, tr. 78-80.
[13] Cô Thanh Ngôn: Sđd, tr. 113.
[14] Cô Thanh Ngôn: Sđd, tr. 127.
[15] Lữ Phương: Mấy vấn đề văn nghệ, Nxb Trình Bầy, Sài Gòn, 1967, tr. 79.
[16] Hoàng Hà: “Bảo tồn, phát huy văn nghệ dân tộc là trách nhiệm của tất cả chúng ta”, Tin Văn, số 5, ngày 6-8-1966.
[17] “Lá thư gửi bạn đọc”, Tin Văn, số 1, ngày 6-6-1966.
[18] Nguyễn Ngọc Lương tức Nguyễn Nguyên, vốn là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp chí Tin Văn (1966- 1968), về sau tham gia Ban biên tập Tạp chí Trình Bầy (1970-1972).
[19] Nguyễn Trọng Văn: “Trí thức khuynh tả”, Tạp chí Đối Diện, số 25, tháng 7-1971, tr. 17.
[20] Nguyễn Trọng Văn: “Trí thức khuynh tả ở Việt Nam”, Tạp chí Đối Diện, số 26, tháng 8-1971, tr. 40. Bài báo này đã khiến tạp chí Đối Diện bị tịch thu, đưa ra tòa và chủ nhiệm Chân Tín bị xử 6 tháng tù nhưng không bị bắt giam, còn tác giả thì không bị phạt vạ.
[21] Nguyễn Trọng Văn: “Trí thức và trí thức”, Tạp chí Đối Diện, số 29, tháng 11-1971, tr. 22.
[22] Lê Nguyên Trung và Vương Quế Lâm là bút hiệu của Nguyễn Văn Bổng khi ông được tổ chức cách mạng đưa vào nội thành, tham gia chỉ đạo hoạt động của Tạp chí Tin Văn.
[23] “Con đường chúng tôi đi”, Văn Mới số 1, ngày 15-10-1971, tr. 8.
[24] “Văn nghệ và thực tại của dân  tộc”, Trình Bầy số 21, ngày 01-6-1971, tr. 4.
[25] Hát cùng đồng bào ta (Chúng ta đã đứng dậy, tập 2), Hội Sinh viên sáng tác, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, 1971, tr. 5-6.

Nguồn: viet-studies.net. http://www.viet-studies.net/HNhuPhuong_MarxVanHocMienNam.html