Saturday, August 26, 2017

Nước Lào thương mến

Nguyễn Xuân Hưng

1.

Tôi đã viết loạt bài Mông Cổ, đất nước lâu nay ít thông tin, được nhiều bạn khen động viên. Đang có hứng thì kể một ít chuyện Lào. Lào thì mọi người Việt Nam đều biết và rất biết. Thông tin ngồn ngộn. Là nước anh em hữu nghị đặc biệt, là nước mà người Việt có thể đến bất cứ lúc nào. Vậy thì có gì đáng kể đây?

Đi Lào có cái hay, bến xe Nước Ngầm có xe giường nằm, đi Viên Chăn cũng như đi xa hơn Hà Tĩnh thôi. Nếu muốn đi ô-tô, đến Sở Giao thông Hà Nội xin giấy phép, nộp 50.000 đ, có thể lái xe đi khắp nước Lào. Khi bị các bạn cảnh sát giao thông dừng xe, cứ nói tiếng Việt là các bạn nói lại được. Nộp tiền phạt cũng rất hữu nghị, thấp xa so với VN. Đường Lào thì vắng, chạy hết tốc độ đi...

Ai quan tâm đến Lào đều biết một chút lịch sử Lào. Có một thời nước Lào na ná miền Nam nước Việt, có chính quyền ở Viên Chăn và có quân đội Pathet dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng (cộng sản). Quân đội VN từ miền bắc vào Nam, mượn đất qua Lào ở phía Tây Trường Sơn. Ngoài ra, nhiều đơn vị Quân giải phóng VN còn trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Lào.



Người Lào cùng ở bán đảo Đông dương với người Việt và Miên Khơ me, gần người Thái, nhưng người Lào hiền hòa khác hẳn với mấy ông bạn láng giềng. Cho đến nay thế kỷ 21, đến Lào vẫn là tận hưởng một không khí yên bình ở thành phố, nếp sống chậm có phần lười biếng kiểu xa xưa ở nông thôn và tỉnh lẻ.

Thời chiến tranh, văn học Việt Nam viết về Lào rất nhiều, có nhiều nhà văn gắn bó với đất và người Lào. Như Văn Linh, Trần Công Tấn, Bùi Bình Thi đã sống ở Lào, nhiều người khác nữa.

Tôi đi Lào có công chuyện, gặp nhiều chức sắc, tướng tá. Nét chung của họ là chân thành, giản dị và dễ gần. Một hôm, tôi và bà Phiulavanh, hồi đó là Chủ tịch Hội nhà văn Lào ăn tối uống bia với mấy bạn Lào. Toàn các chức sắc đã chiến đấu thời chiến tranh. Một ông bảo: các bạn Việt nam viết về Lào rất hay nhưng chưa đủ. Vì sao? Vì... đơn giản là các ông ấy không biết Pathet Lào đánh nhau với quân chính phủ như thế nào.

Chiến trường Lào có 5-6 bên tham chiến: Quân đội bắc Việt, quân Sài gòn, quân Pathet, quân chính phủ Viên chăn, quân Mỹ và quân của tướng Mông Vàng Pao. Những trận ác liệt đều có một trong mấy sắc quân Việt (Hà nội, Sài gòn), Vàng Pao, Mỹ. Khi hai phía Lào giao tranh với nhau, họ cũng lười và chậm như tính của họ vậy. Đánh nhau đến khi nghỉ trưa, hai bên đánh tín hiệu kèn hay pháo hiệu nghỉ, đến giờ làm chiều bắn nhau tiếp, tối thường nghỉ, thu quân về trại. Các ông Lào bảo: thời bình thì không còn bí mật nữa, người Lào còn ít lắm, phía nào cũng chán đánh nhau.

Hồi ông Bùi Bình Thi còn sống, tôi kể chuyện này với ông, là người viết nhiều về chiến trường Lào, ông bảo: chúng tao biết chứ, nhưng ai dám viết ra?
Ông Thi còn nói: đm, có lẽ chúng nó đánh nhau toàn bắn lên trời.


2.


Viên Chăn là thủ đô Lào nhỏ bé và êm đềm. Có cái chợ cách đây 10-15 năm trở về trước là lớn nhất Viên chăn, tiếng Việt gọi là chợ Sáng, thấy tiếng Anh là Morning. Người bán hàng 90% là người gốc Việt. Nhiều người là thế hệ f2, f3, f4 nói tiếng Việt. Tiền tiêu trong chợ là kip Lào, đồng Việt và bạt Thái. Chục năm gần đây, chợ Sáng không còn là chợ lớn nhất nữa, nhưng phần lớn vẫn là người Việt. Xu hướng tiêu tiền Thái cũng lớn lên. Vì giao thương với Thái chiếm tỷ trọng rất lớn. Viên Chăn là thành phố bên bờ Mê Công, con sông biên giới, bên kia sông là Thái Lan, từ khi cây cầu nối 2 bờ sông xong, buôn bán với Thái Lan càng sầm uất. Tuy vậy, người Việt vẫn có vị trí vững chắc trong đời sống Lào. Những khách sạn lớn nhất là của người Việt. Có phố cả dãy phố hàng cơm Việt. Từ ngày kinh tế hội nhập, những món dịch vụ cắt tóc, gội đầu, mat xa mat gần đều người Việt phần lớn từ miền trung lam lũ hành nghề. Bên kia dân quốc tịch Thái phần lớn làm nông dân khá giả, không sang Viên Chăn làm ăn, mà có sang thì cũng khó cạnh tranh với người Lào, người Việt. Tâm lý chung của người Viên Chăn nói với tôi rằng: Đồng bath thì tiêu, nước Thái không thể chơi được. Người Lào với người Thái có mối oán thù rõ rệt khó phai.


Hãy tưởng tượng thế này để hiểu người Lào. Giả sử có một ngày, một nước nào đó chiếm hết phần lớn nước ta đồng bằng và ven biển, chỉ còn lại một ít vùng miền núi phía Bắc thôi. Rất khó chấp nhận. Nhưng nước Lào đã chịu phần đau thương này. Nước Lào cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn là một nước rộng lớn hai bên bờ sông Mê Công. Rối loạn thời cuộc khiến cho phần tây sông Mê công trở thành đất Thái Lan. 17 triệu người Lào phần tây Mê Công trên 7 tỉnh bị vong quốc, ở lại phần đất sap nhập vào Thái Lan. Phần nước Lào ngày nay khi đó chỉ còn 3 triệu người ở những vùng núi cao. Bây giờ thì phần đông bắc Thái người Lào đã xấp xỉ 35 triệu, nước Lào hơn 6 triệu người. Người ta nói không ngoa, văn hóa Thái ngày nay đã cướp của văn hóa Lào không ít. Tập quán, tiếng nói Lào chen lấn vào Thái, văn vật cũng xâm nhập vào nhau. Cái tượng phật ngọc quý báu ở Thái Lan ngày nay du khách thấy, chính là bảo vật của Lào bị cướp, không có từ nào diễn tả khác hơn.


Cũng như Mông Cổ, nước Lào thế kỷ 14 hùng mạnh và có lãnh thổ rộng, bao gồm bắc Campuchia và phần Tây sông Mê công rộng lớn. Rồi cái vương quốc ấy suy yếu, từ tk17 bị Thái Lan nô dịch, sau đó chuyển sang tay nước Pháp. Chính nước Pháp có trách nhiệm lớn để mất 7 tỉnh đất đai mầu mỡ và mất 85% dân số LÀo vào tay nước Xiêm. Diễn giải sự kiện này lằng nhằng và phức tạp, khi kể lại cho tôi, người bạn Lào là một viên Trung tá, nói rất cục mịch: chuyện này như ăn thuốc độc.


Ở công viên bờ sông Mê Công của Viên Chăn, có một bức tượng vua Phạ Ngừm, vị vua của vương quốc Lan Xang hùng mạnh tk14. Ông vua uy nghi gương mặt suy tư chỉ tay xuống sông Mê Công. Và bức tượng ấy cũng chuyên chở nhiều giai thoại thấm nỗi nhân thế. Có giai thoại ban đầu cánh tay nhà vua chỉ thẳng sang phần đất bên kia sông Mê Công, nhưng người Thái phản đối kịch liệt, họ sợ thông điệp về cái chỉ tay của vua, nói với người Lào hãy đòi lại. Tôi đã hỏi ông Boviengkham, bộ trưởng bộ khoa học công nghệ Lào cách đây dăm năm, câu chuyện ấy thực hư thế nào. Ông Bò bảo: tôi chỉ biết cánh tay nhà vua rất nặng.

Trên kia tôi có kể câu chuyện của các cựu chiến binh kể về chiến tranh. Nếu biết rõ lịch sử của họ, mới thấu hiểu và thông cảm cái cách mà ý thức dân tộc của họ lấn át cả nỗi sợ chết chóc trong chiến tranh. Ông tướng say bia đã nói: còn một ít người Lào, cố mà giữ lấy... Tôi đã đọc và nghiên cứu thái độ của lãnh đạo 2 phía đối địch, pathet và chính phủ vương quốc. Họ có tranh giành nhưng không phải thái độ một mất một còn, mấy lần liên hiệp, rồi thôi như dỗi nhau thôi. Đến 1975,vua Lào nhận thua mời cs Lào về, không có chuyện choảng nhau tóe máu như người Việt.


3.


Đi trên đường Lào, bắt gặp một nhà có thể đoán đó là nhà người Việt. Có hàng rào cẩn thận, có chuồng gà chuồng lợn, bếp núc đâu ra đấy. Nhà người Lào không có bàn tay chăm sóc mảnh đất của mình như thế. Thường là một cái nhà sàn gỗ, dựng giữa cây lá hoang mọc tự do, có chỗ buộc bò. Người Lào Lum ở thấp, Lào Thơng xưa ở cao, đấy là phân loại trong các sách xưa của Pháp, giờ người ta sinh sống đan xen nhau, không khác mấy. Nếp sống chắc cũng không khác nhiều so với tổ tiên hàng nghìn năm. Nuôi bò cũng rất thiên nhiên, hàng ngày dẫn con bê xa dần, thả kệ nó. Con bò Lào đeo một cái mõ, sáng tự đi ra ngoài, tối tự về. Trông con bò nào cũng săn chắc và gầy gò. Thịt bò hun khói bán ở chợ Viên Chăn là đặc sản.

Người Lào ở xa Viên chăn hình như không có nhu cầu của người hiện đại. Sống tự nhiên nhi nhiên, làm nhẹ nhàng, chơi thoải mái, chỉ làm 1 vụ nếp lương để đủ ăn. Nhìn ruộng nương Lào, có thể thấy tính người và nếp nghĩ, nếp sống. Không thẳ cánh cò bay như ruộng Việt, mà nó lổn nhổn giữa ruộng lại còn đám đất có cây cỏ bụi rậm, lại còn nhiều cây to thân gỗ vẫn đứng giữa ruộng. Là vì người ta phát rừng rẫy làm ruộng nương, chỗ nào dễ phát thì làm, chỗ nào khó và cây to cứ chừa ra đấy. Thế cũng đủ ăn rồi, tính nữa hay chặt đi làm gì cho mệt.
Cuộc sống ấy có thể hạnh phúc gấp nhiều lần người văn minh phương tây, lúc nào cũng tất bật nợ nần, rồi lạc trong tiện nghi máy móc.

Có chuyện tiếu lâm nhưng không bịa nhiều lắm như sau: kéo điện về nông thôn được ít lâu, cán bộ về thăm, hỏi chủ nhà: có điện thích không? Thích lắm, sáng trưng. Nhưng chủ nhà bối rối: cũng có cái không thích. Cán bộ hỏi: cái gì? Trả lời: từ ngày có điện không đẻ được. Sao vậy? Chủ nhà bảo: điện sáng thì nhìn rõ mặt vợ đẹp lắm, nhưng đêm bây giờ lại nhìn rõ cái mặt dưới nó xấu thế, nên mất hứng làm ra con... Cán bộ cười khà: thì đêm phải tắt điện đi chứ? Chủ nhà lắc: tối đến lại gọi thợ điện đến tắt đèn thì mệt quá. Hóa ra điện kéo về, các ông điện kéo cho một cái bóng rồi đi...

Người Lào hiền hòa và nghĩ đơn giản. Tôi đã nói chuyện với người bên đường quốc lộ, là nơi đã biết buôn bán, có ô tô đi chơi Viên Chăn. Lập luận rất đơn giản. Ai làm cán bộ thì giàu hơn. Nhưng có thêm nhà thêm đất làm gì cho mệt, không sướng như mình, ngủ thì đủ, mình ăn chả thiếu mà không bận gì... Cho nên chuyện cán bộ tham nhũng ở Lào cũng có mầu sắc và bản chất khác hẳn ở nước khác. Nếu động đến an ninh quốc gia mới to chuyện, không ai bị tội có thêm mấy chục ha rừng.

Cùng chế độ một đảng như Việt nam, cùng vào cơ chế thị trường, nhưng người Lào xử lý vấn đề gì cũng khác. Xe ô tô rẻ, nhiều nhà có đất rừng nên nhiều xe bán tải. Công chức có chức được chế độ cấp xe công và cấp phiếu xăng. Tôi quen một trung tá ở cơ quan quân sự đóng tại Viên Chăn, được cấp đất, cấp xi măng sắt thép và vật liệu cơ bản làm nhà, con cái đi học miễn phí, cấp cho cái xe cũ, phiếu xăng không dùng hết bán đi uống bia cũng đủ. Viên chức các cơ quan cũng tương tự. Sống chậm và no đủ, chuyện tiêu cực tham nhũng cũng có nhưng chỉ là bộ phận rất nhỏ.

Tôi đã đến nhà ông Thăm mạ vông lúc ổng làm Thủ tướng, nhà xây to nhưng có cái sân là to, bằng cái nhà cán bộ huyện ở VN, hỏi chuyện ông đi làm vườn thì hơi mệt, vì vườn 50 ha. Nghe thì to, nhưng nếu biết cán bộ xã ở một xã xoàng ở Phúc Yên cũng có gần 100 ha rừng, thì vườn của thủ tướng Lào là bé xíu.
Tất nhiên, nương theo làn sóng thời đại, người Lào ở đô thị đã bắt đầu khác, lãnh đạo trẻ tư duy càng khác. Đó lại là một chủ đề khác...


4.


Người Lào có tết chính, té nước, cùng với Thái Lan. Thực ra, người Thái đã bị cái tết Lào "đồng hóa". Ở Lào còn cái tết người Mông rất tưng bừng. Tết Mông Lào đúng vào ngày quốc khánh 2/12 dương lịch, cũng như Tết Mông Việt 2/9, tết Mông TQ 1/10, người Mông ở nước nào cũng rút ra bài học du cư, mà "nịnh" nhà nước, lấy ngày quốc khánh làm tết của mình. Nếu ai đã đi xem tết người Mông VN, tổ chức ở Mộc Châu, lại xem tết Mông Lào, thì khác một trời một vực, không thể so sánh được.

Đó là vì lịch sử, vai trò của người Mông trong lịch sử nước Lào.

Khi nói về người Mông ở Lào, một nhà văn Lào ví von: về ngoại hình, người Mông Lào như người Kinh Việt Nam, người Lào chúng tôi như người Mông, Tày, Nùng ở VN. Đó là một cách trào lộng, nhưng mà gần đúng.

Người Mông ở Lào là dân tộc di cư đến sau, họ phải chiến đấu với người Khơ Mú (Khạ) để tồn tại. Người Pháp coi người Mông văn minh hơn người Lào bản địa, kích động họ gây hấn với chính phủ Viên Chăn một thời gian. Khi chuyển giao quyền lực với Mỹ, một đội quân người Mông được xây dựng và cuối cùng quyền vua Mông vào tay Vàng Pao. Cái đích của việc sử dụng người Mông Lào là kiểm soát buôn bán thuốc phiện, thứ cây đặc biệt của người Mông. Trong chiến tranh 20 năm kết thúc năm 1975, các trận đánh có quân Vàng Pao là ác liệt nhất, còn 2 phía người Lào ít đụng độ. Người Mông Lào cũng có nhiều người đi theo Pathet, thành chỉ huy cách mạng và theo các đồng sự Việt, họ nhanh nhẹn thiện chiến hơn người Lào. Theo tổng kết, người Mông Lào mất 1/3 dân số, mất 1/2 trai tráng trong chiến tranh. Sau năm 1975, người Mông Lào tiếp tục đánh du kích, các đơn vị tiễu phỉ của VN còn hy sinh xương máu ở Lào đến 1990. Hiện nay, gần 300.000 người Mông ở Mỹ, phần lớn là người từ Lào. Người Mông còn lại Lào khoảng 100.000 người.
Do một thời gian dài sống và cộng tác mật thiết với Pháp, Mỹ, người Mông Lào đạt đến trình độ hòa nhập với đời sống hiện đại, hơn so với người Mông ở mọi nước khác. Nhiều nơi họ bỏ núi cao, định cư ở vùng thấp.

Cách đây vài năm, người Mông là một bài toán xã hội ở Lào. Hàng vạn người Mông trốn sang Thái lan phải tái định cư. Đời sống người Mông Lào khá giàu có, do viện trợ của người thân từ Mỹ, cũng tốt cho an sinh, mà cũng nảy sinh tệ nạn.

Năm đó, tình cờ tôi ở Lào đúng tết Mông. Tôi theo ông Bộ trưởng bộ tư pháp Lào, cũng là một người Mông, về một vùng cách thủ đô 50km ăn tết người Mông. Ấn tượng đầu tiên của tôi, có thể nói là khá sốc, vì không tưởng tượng ra thế. Cũng bởi vì tôi đã bị ấn tượng xấu vì tết Mông ở Mộc Châu. Người Mông Việt sống rất khổ hạnh, đi xe máy lếch nhếch từ đêm, đến Mộc Châu đúng là chỉ kéo nhau đi chật đường. Người Mông quanh Mộc Châu bé nhỏ, tảo hôn, 20 tuổi đã 3-4 con, đi tết ở Mộc Châu ngó nghiêng đến tội. Họ cứ cóc cáy, tội tội, nhìn là biết cuộc sống khổ sở thế nào.

Người Mông ở Lào tôi thấy, quả là một cộng đồng hội hè vui thú. Họ đều cao ráo, nhiều người trắng trẻo. Chúng tôi là người Việt tự nhận cũng đẹp mã, đứng vào cùng họ, lẫn luôn. Quả là họ không khác người Kinh Việt. Thanh niên nam nữ cũng có tục gặp gỡ, bắt nhau, tự nhiên vui vẻ. Đám đất rộng có rất nhiều cây to công khai hò hẹn, một kiểu chợ hẹn hò. Sân khấu thì có nhiều người hát hò một cách tự nhiên. Đặc điểm của người Mông là ăn mặc sặc sỡ. Ở VN toàn một kiểu váy Tàu, còn ở Lào trông như ngày hội của bọn nào một nước châu âu. Tôi đi cùng các chức sắc, chỉ có các trưởng lão tiếp, còn mọi người không có bất cứ nghi lễ gì. Hôm đó có đô trưởng Viên Chăn, ông ấy cũng lẫn vào đám người đi hội. Ông đô trưởng này, cùng với ông Chuông, trưởng ban tuyên giáo trung ương Lào, là 2 người tôi gặp, đã chết trong vụ rơi máy bay Xiêng Khoảng.
Người Lào có điệu Lăm tơi, múa chậm dịu dàng. Khi người Mông múa lăm tơi, họ múa nhanh và quyết liệt. Một người Mông nói với tôi: cái khèn Mông mà kêu lên, phải múa thế mới được. Đó là cách mà người Mông hòa trộn văn hóa với người bản địa. Tôi không biết người Mông Việt hòa bản sắc với cộng đồng hát chèo hát văn như thế nào?

Bạn tôi, một nhà doanh nghiệp, hôm đó cũng đi tết Mông Lào, thốt lên: ông ơi, người Kinh mình bao giờ hội hè được như họ. Cũng là Mông, mà ở VN khổ thế.

Ai không hiểu lịch sử đau thương của người Mông Lào, chắc không biết cái giá phải trả của cha ông họ, để có ngày họ là một cộng đồng văn minh, phát triển hơn hẳn người Lào ở chính nước Lào.


5.


Nhiều bạn muốn tôi viết về những gì nhìn thấy ở Lào, nhưng tôi nghĩ, Lào là nước anh em láng giềng, rất nhiều người Việt đã đến Lào, sẽ có nhiều bạn viết về ẩm thực, đường xá, phố cổ, ăn chơi gái mú… tốt hơn tôi. Tôi muốn viết về những điều “cảm thấy” sau những ngày rong ruổi và giao lưu ở đất nước Lào. Nhìn, ai cũng có thể thấy như nhau. Cảm, thì có lẽ không ai cảm giống nhau. Cũng phải nói ngay, viết về điều này khó, rất khó, vì nhiều điều thuộc về chuyện nhạy cảm, nhạy cảm chính trị và nhạy cảm nhân văn.

Đến Lào nhiều lần, điều đầu tiên là bạn sẽ cảm thấy quốc gia Lào, dân tộc Lào đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Vấn đề nào cũng bắt nguồn từ con người, và có nỗi buồn Người Việt.

Từ khi Việt Nam lập nước, thì người Lào cũng đòi độc lập. Ngay từ năm 1945, chính phủ độc lập dân tộc của ông Xuphanuvong đã lập quân đội Việt –Lào, người Việt Nam đầu tiên hy sinh trên đất Lào đầu năm 1946 là Lê Thiệu Huy, khi bảo vệ chính phủ và chính ông Xuphanuvong rút lui trên sông Mê Công. (Lê Thiệu Huy là con cụ Lê Thước, học giả lớn của VN, là người họ hàng với GS Lê Văn Thiêm, nhà toán học lớn). Từ đó cho đến những năm cuối thế kỷ, khi Việt Nam đã hòa bình, máu chiến sĩ tình nguyện Việt Nam vẫn đổ vì tiễu phỉ ở Lào. Thế hệ các lãnh đạo Lào đã mất dần, thế hệ f1, f2 được nuôi ăn học ở Việt Nam cũng dần rời chính trường, tình hữu nghị Việt –Lào dần chỉ còn là lịch sử. Nhưng không phải vì những người Lào ít có thời gian gắn bó máu thịt với VN, mà ảnh hưởng của Việt Nam ngày càng ít đi. Điều đó chỉ có thể gọi bằng tên: tự người Việt đã làm hại mình. Tôi đã nghe thấy một nhà doanh nghiệp kể, khi người Lào đấu giá khúc sông khai thác vàng, các ông thua, mà người Trung Quốc và Úc thắng. Ông rất ức nói: Chúng ta đổ máu ở đất này, giờ nhìn chúng nó hưởng. Khi có tâm thế như vậy, đã là một minh chứng người Việt đang thua. Với những lợi thế rất lớn, người Việt còn có hẳn 1 vụ ở Bộ Kế hoạch đầu tư lo chuyện viện trợ và đầu tư vào Lào, sao lại thu về kết quả ít ỏi như thế? Phải tự hỏi mình, chứ không phải ai đánh mình mà mình thua. Tình hữu nghị đặc biệt nếu chỉ nói mà không biết triển khai thành việc, thì lại thành sáo rỗng.

Ở Lào, nguy cơ Trung Quốc là có thật. Chắc chắn người TQ nhìn đất nước Lào đầy thèm muốn. Ở biên giới, họ đã đầu tư và thiết lập những phố Tàu. Bao nhiêu năm Viên Chăn không có phố Tàu, nhưng chỉ vài năm nhiệm kỳ một thủ tướng trẻ, phố Tàu đã hình thành (ông này chưa hết nhiệm kỳ đã bị cách chức). Sea Game năm nào, việc xây dựng các công trình Sea Games bị người TQ bỏ dở, ông Đoàn Nguyên Đức phải nhảy vào. Người không sành thời sự cũng đoán có vấn đề chính trị. Người TQ muốn đưa công nhân vào Viên Chăn sinh sống để làm công trình, đến nỗi người Lào hiền hòa là thế mà nhiều cựu chiến binh gần như phản đối biểu tình. May thay họ không ưng cái kế hoạch của người TQ khi làm Sea Games, nhưng nhiều chuyện khác người TQ lấy tiền ra đè. Kế hoạch của Việt Nam còn cân nhắc, đã có người khác xòe tiền ra rồi. Khi các bậc vào sinh ra tử với Việt Nam dần thôi, thì những người trẻ nghe câu “đã hy sinh xương máu ở đây” chỉ cười thương hại.

Người Việt Nam đã không có một chiến lược căn cơ hợp tác với Lào, còn tự làm cho hình ảnh mình nhếch nhác. Làn sóng người Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình đổ sang Lào kiếm việc, toàn những việc tay nghề thấp, rồi từ đó đi đông bắc Thái. Có đến cửa khẩu sang Thái mới thấy cám cảnh. Người Việt bị đi một cửa riêng. Rất nhiều người chỉ sang Thái để đóng một cái dấu, vì hộ chiếu quy định một lần nhập cảnh không quá 30 ngày. 29 ngày thì xuất cảnh sang Thái, tiện lợi và gần, rồi về 29 ngày nữa. Người chính quyền của nước ta có biết không? Chắc chắn biết. Không biết dăm năm rồi tôi chưa trở lại Lào, tình hình thế nào rồi. Nghe nói cái sự lam lũ và nhếch nhác thì vẫn vậy.

Rồi có những hành xử khiến ngay cả người Lào cũng chạnh buồn. Ví dụ báo chí Việt Nam hay nói thổi phồng chuyện Việt Nam giúp đỡ Lào. Tôi đã nghe một kỹ sư Lào trẻ, nói rành rọt: Việt Nam đổ máu ở Lào đâu phải chỉ giúp Lào mà không phải Lào giúp lại, các ông mượn đất Lào đi vào nam, là mang bom đạn đến Lào chứ, phải nhìn lại rằng hai bên giúp lẫn nhau, chưa biết bên nào giúp nhiều hơn bên nào.
Có một chuyện cụ thể, cuộc vượt ngục của Xuphanuvong đầu 196x, báo chí Việt viết ầm ĩ là Việt Nam cử người giải thoát Xuphanuvong, nhưng lại lờ đi, nhóm giải thoát đó sau đó chỉ đón các lãnh tụ Lào ở ngoài rừng rồi dẫn đi Sầm Nưa, còn các ông Lào tự cảm hóa cai ngục, tự làm cuộc vượt ngục rất ngoạn mục. Ca ngợi công lao Việt Nam lố quá, mà năm nào báo chí cũng bài ca như thế. Tôi định làm một bộ phim về cuộc vượt ngục này, khi nói chưa rõ, nhiều quan chức Lào đã lạnh nhạt cười và bảo Việt Nam lâu nay tuyên truyền không đúng. Rồi lại gặp các nhóm quan điểm ở Lào. Nhóm thì thích ông Xuphanuvong, nhóm thì tôn thờ ông Cayson….

Có chuyện này, một trung tướng kể với tôi, hồi xưa, ông và nhiều bạn Lào và Việt đã được học cấp 2 ở Thái Nguyên, tránh chiến tranh ở Lào. Sau năm 1975, các ông rủ nhau về nơi cũ thăm làng, vì hồi xưa các ông ở nhà dân, được coi như con cái. Nhân dân nhiều người khóc vì xúc động, rồi nói: Bao nhiêu ông Việt Nam sơ tán cơ quan về đây, hòa bình chả thấy mặt đâu, các con xa xôi về thăm làm chúng tao mừng phát khóc. Người Lào nhìn tấm gương Việt Nam không khỏi hoen ố.

Người Lào có lương tri và tinh thần dân tộc, trong thời kỳ loạn lạc, nhất định nhìn vào Việt Nam, và họ có một tấm gương là ông hoàng đỏ Xuphanuvong để soi vào. Thái Lan là cừu thù, Campuchia không tin được, vậy thì chỉ có Việt Nam. Nhưng thời hội nhập kinh tế thị trường thì khác. Thời thế đã đổi thay. Vấn đề là người Việt nhìn ra cái gì không?

Trong mối quan hệ với người Thái, là một vấn đề dân tộc. Khi tôi đến bên kia Viên Chăn, nơi toàn người Lào, mới biết mức độ đồng hóa của người Thái. Nhiều năm vùng này là vùng công dân hạng 2, nghèo khó hơn các nơi phía Tây, bắt phải nói tiếng Thái, học tiếng Thái, ngay cả cái tên “Lào” cũng bị bỏ, mà gọi là người “Thái Issan”. Khi Thacsin lên thủ tướng là có lá phiếu của vùng Đông Bắc. Hồi tôi sang Lào, bà Yinglac làm thủ tướng, có ông Lào bảo: người Thái chả để yên đâu. Sang bên kia sông Mê Công, mới biết bà này được Thái Issan ủng hộ. Xe bus cứ sáng ra chở người đi Băng Cốc biểu tình, cho mấy trăm bạt tự về. Cho nên biểu tình kéo dài. Đó là vấn đề dân tộc của Thái, cũng có mối liên hệ với dân tộc Lào.

Câu chuyện Xayabury cho ta thấy một ví dụ về thời cuộc. Năm 1987, sau nhiều lần xô sát, tranh chấp biên giới ở tỉnh Xayabury bùng nổ. Do khác nhau về bản đồ của Pháp và của Mỹ mà cả Thái lẫn Lào đều nhận 3 làng giáp ranh là của mình. Sau đó 2 phía đánh nhau, khi quân đội Việt Nam can thiệp, thì người Thái rút quân, coi như Lào toàn thắng. Tôi có bạn sinh sống ở Thái, một lần đến Băng Cốc, tình cờ gặp một ông Thái, ông bảo hồi 87 không trực tiếp đánh nhau với Lào, mà ở tuyến sau. Có chuyện bọn tiền phương kể lại, khi nghe tiếng AK bắn, là bộ đội Thái biết có lính Việt. Tiếng bắn điểm xạ, cách vận động chiến khác hẳn. Và khi nghe tin có lính Việt thì lính Thái không cần lệnh cũng rút chạy. Hơn 20 năm sau, trớ trêu thay, chính tại tỉnh biên giới này, người Thái đã thắng với việc “dụ dỗ” Lào xây đập Xayabury. Không hẳn là thế, mà người Lào chủ động bắt tay với Thái để làm đập. Một thế hệ các nhà lãnh đạo Lào đã học từ Mỹ, Trung Quốc trở về, quyền lợi dân tộc và lợi ích trước mắt của họ là trên hết. Tác động của việc xây đập Xayabury có lẽ còn chưa tiên liệu được, nó sẽ mở đầu cuộc khủng hoảng rất lớn. Nơi đó năm 1987, những người lính Việt Nam đã xả thân vì tấc đất Lào. Cuộc sống là thế. Thời cuộc rất tàn nhẫn, cũng như một nhà nước, vừa là bá chủ, đã trở thành nô lệ vậy. Lịch sử không hiếm đâu.

Đi trên đất Lào, còn cảm nhận thấy nhiều điều sâu xa, sâu cay nữa. Vấn đề là viết ra chả để làm gì. Hầu bạn đọc bấy nhiêu. Thôi cứ tin vào vận mệnh của dân tộc Lào, sẽ gắn bó với dân tộc Việt. Những “rung lắc” chắc sẽ qua mau… (Hết)