Sunday, February 7, 2016

Sự Bình thường Mới mang tính trắc trở của Trung Quốc

Sự thay đổi của nền kinh tế Trung Quốc từ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang mô hình dựa trên các dịch vụ trong nước và tiêu thụ hộ gia đình đang trở nên khó khăn hơn nhiều so với dự đoán. Nguyên nhân là do sự xoay chuyển của thị trường chứng khoán và biến động của tỷ giá hối đoái vốn gây ra những lo ngại về tính ổn định của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các tiêu chuẩn trước đây thì kinh tế Trung Quốc vẫn đang hoạt động tốt - gần 7% tăng trưởng GDP hàng năm, một số người có thể cho là rất tốt - nhưng để tiếp tục thành công như Trung Quốc đã có hơn ba thập kỷ qua đặt ra cho nước này những kỳ vọng tương đối cao.


Có một bài học cơ bản: "Các thị trường với đặc tính Trung Quốc" cũng mong manh và khó kiểm soát như các thị trường có đặc tính Mỹ. Thị trường luôn tự quyết định chuyện gì sẽ xảy ra chứ không thể dễ dàng bị người khác điều khiển. Nếu như thị trường có thể bị kiểm soát thì đó là nhờ có sự thiết lập luật chơi một cách minh bạch.

Tất cả các thị trường đều cần có quy tắc. Quy tắc tốt có thể giúp ổn định thị trường. Không tốt thì dù có ý định tốt đến mấy đi nữa cũng sẽ gây ra tác dụng ngược lại. 

Ví dụ, kể từ khi vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1987 ở Hoa Kỳ, người ta công nhận tầm quan trọng của cơ chế ngắt mạch thị trường; nhưng nếu thiết kế không đúng cách, những cải cách như vậy có thể làm tăng bất ổn. Nếu có hai mức độ ngắt mạch - tạm dừng giao dịch trong ngắn hạn và dài hạn – và hai cơ chế này được đặt quá gần nhau, khi cái đầu tiên được kích hoạt, những nhà đầu tư do nhận ra cái thứ hai cũng sẽ sớm xảy ra có thể ồ ạt rút ra khỏi thị trường.

Hơn nữa, những gì xảy ra ở các thị trường có thể chỉ liên hệ lỏng lẻo với nền kinh tế thực. Cuộc Đại Suy thoái Kinh tế gần đây minh họa điều này. Trong khi thị trường chứng khoán Mỹ đã có sự phục hồi mạnh mẽ, nền kinh tế trong thực tế vẫn trong tình trạng ảm đạm. Đương nhiên, thị trường chứng khoán và sự biến động tỷ giá hối đoái có thể có tác động thực sự. Tính không chắc chắn của thị trường có thể dẫn đến giảm tiêu thụ và đầu tư (đó là lý do tại sao các chính phủ nên đặt mục tiêu cho các quy tắc giúp củng cố sự ổn định).

Dù vậy, điều quan trọng hơn là các quy tắc kiểm soát nền kinh tế thực. Ở Trung Quốc ngày nay, như ở Mỹ cách đây 35 năm, có một cuộc tranh luận về việc các biện pháp kích cung hay kích cầu - cái nào có khả năng phục hồi tăng trưởng. Kinh nghiệm của Mỹ và nhiều trường hợp khác cung cấp một số câu trả lời.

Để bắt đầu, các biện pháp kích cung sẽ là tốt nhất khi thị trường ở trạng thái mà tất cả các cá nhân tham gia thị trường lao động đều có việc làm. Trong trường hợp không đủ cầu, nâng cao hiệu quả của các biện pháp kích cầu sẽ dẫn đến không sử dụng hết các nguồn lực. Chuyển dịch lao động năng suất thấp đến tình trạng thất nghiệp không có năng suất không giúp gia tăng sản lượng của nền kinh tế. Ngày nay, tình trạng giảm tổng cầu của nền kinh tế thế giới đòi hỏi các chính phủ phải thực hiện các biện pháp đẩy mạnh chi tiêu.

Việc chi tiêu như vậy có thể có nhiều tác dụng tốt. Nhu cầu quan trọng của Trung Quốc hiện nay bao gồm việc giảm bất bình đẳng, giảm suy thoái môi trường, tạo ra các thành phố có mức sống dễ chịu, và đầu tư vào y tế công cộng, giáo dục, cơ sở hạ tầng, và công nghệ. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường năng lực quản lý để đảm bảo an toàn thực phẩm, các tòa nhà, thuốc men và nhiều thứ khác. Lợi tức xã hội thu được từ các khoản đầu tư như vậy vượt xa chi phí đầu tư.

Sai lầm của Trung Quốc trong quá khứ là dựa quá nhiều vào đòn bẩy nợ vay. Nhưng Trung Quốc cũng có nhiều nguồn lực làm tăng nguồn thu thuế để có thể tăng hiệu quả chung cũng như công bằng hơn. Thuế môi trường có thể giúp cải thiện không khí và chất lượng nước, thậm chí nó giúp tăng doanh thu đáng kể; thuế chống kẹt xe sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống ở các thành phố; thuế tài sản và lợi nhuận sẽ khuyến khích các khoản đầu tư lớn hơn trong hoạt động sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Nói ngắn gọn, nếu thiết kế đúng, các biện pháp cân đối ngân sách – như là tăng thuế song song với chi tiêu – có thể cung cấp một gói kích thích lớn cho nền kinh tế.

Trung Quốc cũng không nên rơi vào cái bẫy của việc sử dụng các biện pháp kích cung cũ kĩ. Tại Mỹ, nguồn lực bị lãng phí khi các căn nhà kém chất lượng được xây dựng ở giữa sa mạc Nevada. Nhưng ưu tiên hàng đầu không phải phá bỏ những căn nhà này (trong một nỗ lực để củng cố thị trường nhà ở); điều quan trọng là đảm bảo các nguồn lực được phân bổ hiệu quả trong tương lai. Thật vậy, một nguyên tắc cơ bản được giảng dạy trong những tuần đầu tiên của một lớp kinh tế học cơ bản là cái gì đã qua thì cho qua, nuối tiếc chẳng ích lợi gì. Thép chi phí thấp (cung cấp với giá thấp hơn chi phí trung bình dài hạn của sản xuất nhưng bằng hoặc cao hơn chi phí cận biên) có thể là một lợi thế cho các ngành công nghiệp khác.

Sẽ là một sai lầm, ví dụ, nếu chúng ta tiêu diệt năng lực dư thừa của Mỹ trong sản xuất sợi quang, vì nhờ đó mà các doanh nghiệp Mỹ đã kiếm lời khủng khiếp trong những năm 1990. Các giá trị có tính “tùy chọn” cùng với các tiềm năng được sử dụng trong tương lai của một công cụ nên luôn luôn được đối chiếu với chi phí bảo trì tối thiểu nó.

Thách thức đối với Trung Quốc khi nước này phải đối mặt với vấn đề dư thừa công suất đó là những người có thể sẽ bị mất việc làm sẽ cần chính phủ hỗ trợ; do đó, các doanh nghiệp sẽ mong muốn các gói cứu trợ lớn để giảm thiểu thiệt hại. Nhưng nếu chính phủ kết hợp các biện pháp kích cầu với chính sách thị trường lao động hiệu quả thì ít nhất vấn đề việc làm có thể được giải quyết tốt. Các chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế có thể theo đó được thiết kế một cách tối ưu hoặc ít nhất là hợp lý.

Ngoài ra còn có một vấn đề vĩ mô là giảm phát. Dư thừa nguồn lực gây áp lực giảm giá, với các tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp mắc nợ, vốn đang chịu sự gia tăng trong giá trị thực của nợ (điều chỉnh lạm phát). Nhưng một cách tiếp cận tốt hơn các biện pháp kích cung là kích cầu mạnh mẽ nhằm giảm áp lực giảm phát.

Các nguyên tắc kinh tế và các yếu tố chính trị nhìn chung nhiều người nắm rõ. Nhưng thường thì các cuộc tranh luận về nền kinh tế của Trung Quốc lại bị chi phối bởi các đề xuất ngây thơ về cải cách kích cung- kèm theo những lời chỉ trích của các biện pháp kích cầu được sử dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Những biện pháp này không hoàn hảo; chúng được xây dựng có tính tùy cơ ứng biến, trong bối cảnh là giải quyết tình trạng khẩn cấp, nhưng dù sao cũng đã tốt hơn nhiều so với không có biện pháp nào. 

Đó là bởi vì sử dụng các nguồn lực mặc dù chưa phải là tối ưu thì cũng còn tốt hơn so với không sử dụng gì cả. Nếu như không có gói kích thích sau năm 2008, Trung Quốc đã có thể gánh chịu tỉ lệ thất nghiệp cao đáng kể. Nếu chính phủ nắm bắt được các biện pháp kích cầu tốt, họ sẽ có nhiều cơ hội áp dụng các biện pháp kích cung toàn diện hơn. Hơn nữa, độ lớn của một số cải cách kích cung cần thiết sẽ được giảm đi đáng kể, chính bởi vì các biện pháp kích cầu sẽ làm giảm nguồn cung dư thừa.

Đây không chỉ là một cuộc tranh luận học thuật giữa các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes và trường phái kích cầu ở phương Tây, vì vấn đề trên thực tế đang diễn ra ở phía bên kia của quả địa cầu. Các cách tiếp cận chính sách của chính phủ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động và triển vọng kinh tế toàn thế giới. 

--------- 

Joseph E. Stiglitz, “China’s Bumpy New Normal”, Project-Syndicate, 1.27.2016. 

Thanh Hà dịch.