Sunday, February 7, 2016

Có phải Miến Điện đang dân chủ hóa?

Thắng lợi của bà Aung San Suu Kyi và các đồng sự thuộc Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ở Miến Điện trong cuộc bầu cử vào ngày 01 Tháng Tư là một sự kiện lớn cho đất nước này.


Trong một cuộc phỏng vấn, Thomas Carothers, người đã đến thăm Miến Điện trong thời gian diễn ra bầu cử, đánh giá ý nghĩa của cuộc bầu cử và những triển vọng cho một quá trình chuyển đổi dân chủ ở Miến Điện. Dựa trên những kinh nghiệm phong phú của mình về các cuộc chuyển đổi chính trị trên thế giới, Carothers so sánh tình hình tại Miến Điện với các cuộc chuyển đổi ra khỏi chế độ độc tài và qua đó nêu bật những thách thức chính yếu và cả những lý do để hy vọng.

Có thực là Miến Điện đang chuyển mình sang chế độ dân chủ?

Mặc dù các cuộc bầu cử chỉ chiếm 7 phần trăm số ghế trong quốc hội, nhưng điều đó chắc chắn được xem là một bước tiến lớn cho một xã hội vốn đã trải qua một giai đoạn khi mà các cuộc bầu cử chỉ mang tính dàn dựng hoặc đã bị ngừng lại trong hơn nửa thế kỷ.

Miến Điện đang thử nghiệm một sự mở cửa chính trị đầy ấn tượng và đa phần không được tiên đoán trước; nó mở đầu bằng việc xuất hiện trở lại đời sống chính trị của bà Aung San Suu Kyi và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, bằng việc phóng thích nhiều tù nhân chính trị, và việc nới rộng đáng kể không gian cho các cuộc thảo luận và hoạt động về chính trị. Tổng thống Thein Sein dường như thật sự muốn cải cách, dù đang nắm trong tay quyền hành nhờ vào chính quyền quân sự và các cuộc bầu cử bất hợp pháp trong năm 2010. Khi đến thăm Miến Điện hồi tháng trước, tôi không thể không choáng ngợp bởi niềm tin mạnh mẽ của người dân nơi đây khi họ ý thức rằng đây là một thời điểm lớn lao của đất nước, một cơ hội chính trị mà nhiều người chỉ dám hy vọng trong hơn hai mươi năm qua.

Dù rất đáng khích lệ, tuy vậy, những thay đổi tiến bộ này chỉ tượng trưng cho cánh cửa mở ra khả năng về một lộ trình chuyển đổi dân chủ. Những kẻ đương quyền ¬ gồm lực lượng quân đội phản dân chủ tham quyền cố vị và đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) ¬ hiện chưa từ bỏ bất kỳ cơ cấu quyền lực nào đáng kể. Trong khi đó việc cần thiết để xóa bỏ tham vọng quyền lực thường trực trong quân đội và USDP là sửa đổi Hiến pháp chỉ mới bắt đầu được thảo luận nghiêm túc trong thời gian gần đây. Tiếng nói của các nhà cải cách trong chính phủ so với những người chủ trương phản đối cải cách trong chính quyền và quân đội vẫn chưa rõ rệt.

Trong khi chính phủ đã khởi xướng một số cải cách kinh tế đáng khích lệ, đáng chú ý là việc quy đổi ngoại tệ và cải tổ hệ thống ngân hàng, vẫn còn tồn tại những điều phải thay đổi mà việc thực hiện chúng sẽ động chạm đến các đặc quyền cốt lõi của thiết chế hiện hữu, khi mà các chính sách kinh tế đang có lợi cho các nhóm lợi ích.

Vì vậy, mở cửa chính trị ư ? Vâng. Cải cách kinh tế ? Có khả năng. Thế còn quá trình chuyển đổi dân chủ? Còn quá sớm để có thể nói.

Chúng ta có thể học hỏi được gì từ các quá trình thoát khỏi độc tài khác? So với Miến Điện thì như thế nào?

Dĩ nhiên mỗi quá trình chuyển đổi chính trị đều có nét độc đáo riêng, phản ánh sự đa dạng vô hạn của các hình thái chính trị xã hội và phong tục trên khắp thế giới. Đồng thời, với hơn 100 phong trào dân chủ xuất hiện trong hai mươi lăm năm gần đây, có thể nhận diện được vài khuôn mẫu nhất định và vài mô thức có thể đem lại thành công, nếu được tiếp cận một cách thận trọng.

Quá trình cải cách từ trên xuống ở Miến Điện -- mà trong đó những nhân vật ôn hòa trong cơ cấu quyền lực độc tài vốn chỉ dựa vào quân đội đang lo lắng về tính chính danh của mình và cố gắng đưa ra các giải pháp nhằm tái cơ cấu kinh tế và chính trị --¬ phần nào gợi nhớ lại một số phong trào thoát khỏi chế độ cai trị bằng quân sự ở Nam Mỹ trong những năm 70 và 80, mặc dù có sự khác biệt lớn giữa những phong trào này. Ví dụ như tại Brazil, chính quyền quân sự bị suy yếu do quản lý kinh tế yếu kém và tham nhũng tràn lan đã phân hóa thành hai phái ôn hòa và cứng rắn. Phái ôn hòa dần dần thành lập hệ thống luật lệ dân sự, và theo sau đó là quá trình bầu cử khả tín; song song với nó là duy trì mối quan hệ với phe bảo thủ bằng cách cho phép họ giữ lại nhiều đặc quyền kinh tế và tránh bị truy tố vì những sai lầm trong quá khứ.

Nhìn lại, hầu hết các quá trình chuyển đổi ở Nam Mỹ là khá tốt, nhưng điều quan trọng cần phải lưu ý là những quá trình này diễn ra trong bao lâu và có tầm ảnh hưởng như thế nào trong thực tế. Lấy ví dụ tại Brazil, từ khi mở cửa cải cách chính trị vào năm 1974 cho đến khi một tổng thống dân sự lên nắm quyền thông qua bầu cử khả tín phải mất hơn mười năm. Và cũng phải mất gần mười năm sau đó để bộ máy chính quyền mới thực sự vận hành được trong mớ di sản độc hại của chế độ độc tài trước đó.

Thêm vào đó, hầu hết các chính quyền quân sự ở Nam Mỹ đã chỉ nắm quyền trong một hoặc hai thập kỷ trước khi họ trao trả đất nước về chính quyền dân sự và các quốc gia này đã có ít nhất một vài kinh nghiệm đáng kể trong quá khứ với chính quyền dân sự và dân chủ đa nguyên. Trong khi đó chính quyền quân sự ở Miến Điện đã cầm quyền trong suốt 50 năm so với khoảng thời gian 65 năm kể từ ngày độc lập, và chính quyền hiện thời không có một kinh nghiệm dân chủ nào trước đó đáng để học tập.

Cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả Rập có tác động đến sự phát triển cho phong trào ở Miến Điện không?

Chúng ta thường được nghe rằng cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả Rập đã khiến giới tướng lãnh Miến Điện lo lắng và khiến cho nhóm ôn hòa quyết tâm thực hiện các cải cách trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn một nguy cơ bùng nổ từ bên dưới.

Tuy vậy, quá trình cải cách từ trên xuống ở Miến Điện có nhiều sự tương đồng với hoàn cảnh chính trị ở các nước Ả Rập trong thập kỷ trước khi diễn ra Mùa xuân Ả Rập. Trong những năm này, chính phủ các nước Ả Rập khác nhau đều thực thi các cải cách chính trị và kinh tế mà các nhà phân tích mô tả là sự "tự do hóa mang tính phòng vệ" như¬ cho phép đảng đối lập có đại diện trong quốc hội, cho phép một không gian nhất định cho xã hội dân sự độc lập, và hợp lý hóa một số yếu tố của đời sống kinh tế.

Những bước đi của các chính phủ Ả Rập không phải là những cải cách dân chủ hóa, thay vào đó họ đã thận trọng khoanh vùng những nỗ lực nhằm mục tiêu ngăn chặn sự diễn ra một quá trình dân chủ hóa thông qua việc làm dịu đi những bất mãn rộng khắp trong dân chúng đối với chế độ. Một số chế độ, chẳng hạn như ở Ma Rốc và Jordan, đã thành công trong việc theo đuổi chiến lược này. Những chế độ khác, như ở Ai Cập, thất bại trong các cải cách, lún sâu vào khủng hoảng cho đến cuối cùng thì bùng nổ. 

Điều gì là khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi của Miến Điện?

Những khó khăn chắc chắn rất nhiều: ¬ một chính quyền quân sự phản dân chủ thâm căn cố đế mà nội bộ lại bị chia rẽ bởi các cam kết cải cách, một di sản hủy diệt của sự đàn áp chính trị, một chính sách cai trị tàn bạo, một nền kinh tế bị thâm hụt, và là một đất nước chứa đựng nhiều thách thức về chính trị.

Nhưng điều đặc biệt khó khăn là đất nước đang phải đối mặt với những thách thức sâu sắc của việc chuyển mình thoát khỏi năm mươi năm cai trị độc tài hà khắc, trong khi đó phải vật lộn với sự cần thiết phải giải quyết nhiều mâu thuẫn sắc tộc trầm trọng đã tích tụ qua nhiều thập kỷ. Việc cố gắng để cùng một lúc tiến hành hai quá trình phân phối quyền lực có liên quan nhau -- tiến trình dân chủ hóa ở hệ thống chính trị trung ương và quyền tự chủ lớn hơn của các chính quyền địa phương -- là vô cùng gian nan. Việc này hơi giống như việc lái một chiếc xe hơi qua một cây cầu gập ghềnh vừa hẹp vừa dốc ở hai bên, cùng lúc đó cố ngăn chặn một trận chiến giữa những vị hành khách đang giận dữ bên trong xe.

Nhưng điều này không phải là không thể. Nếu được xử lý tốt, hai quá trình này có thể bổ trợ cho nhau. Khi Indonesia đột ngột thoát khỏi ách cai trị độc tài vào cuối thập 1990s, nhiều người lo lắng rằng quốc gia này sẽ không thể thực hiện được dân chủ hóa khi đang đối mặt với việc trao quyền tự chủ lớn hơn cho một số tỉnh của quốc gia này. Indonesia lúc đó đã phải đối mặt với nhiều vấn đề nội bộ hơn là Miến Điện ngày nay; ở trường hợp của Indonesia, đó là các cuộc đấu tranh đòi ly khai, trong khi đó ở Miến Điện ngày nay, các đòi hỏi của các vùng thuộc dân tộc thiểu số giới hạn hơn. Nhưng Indonesia đã làm được điều này, và sự kết thúc của chế độ độc tài đã thực sự kiến tạo một giải pháp hòa bình cho Đông Timor.

Có lý do gì để hy vọng về tương lai cho Miến Điện hay không?

Miến Điện đối mặt với những thách thức to lớn trong việc thực hiện dân chủ hóa, nhưng nó đã đi quá xa để có thể thất bại. Rất ít quốc gia khi tham gia vào quá trình mở cửa chính trị có một phong trào đối lập tích cực ủng hộ dân chủ mà sức hấp dẫn của nó trên bình diện quốc gia đã được chứng tỏ trong các cuộc bầu cử trước đó; phong trào này cũng có một nhà lãnh đạo vô cùng đáng kính có được tính chính danh ở cả trong và ngoài nước, và chí ít phong trào cũng có năng lực tổ chức cơ bản.

Hơn nữa, phe chủ trương cải cách trong chính quyền hiện thời có một số gương mặt rất uy tín, trong số đó ít nhất là Tổng thống Thein Sein. Và mặc dù một số quốc gia lân bang của Miến Điện dường như không mấy thân thiện với tiến trình dân chủ hóa, một loạt các tác nhân quốc tế quan trọng, trong đó có Hoa Kỳ, Châu Âu, và các nền dân chủ khác nhau ở châu Á, đã sẵn sàng để giúp đỡ họ. 

--------- 

Thomas Carothers, “Is Burma Democratizing?”, Carnegie Endownment For International Peace, 2.4.2012. 

Nhất Linh dịch.