Tuesday, January 17, 2017

“Cuộc Cách mạng nhờ Facebook” của Ai Cập

Lời Tòa soạn: Kể từ số 2, Tạp chí Tự Do sẽ bắt đầu giới thiệu loạt bài về các phong trào tranh đấu bất bạo động trên thế giới. Dưới đây là bài đầu tiên giới thiệu những kinh nghiệm của phong trào tranh đấu ở Ai Cập.



Đối mặt với sự thờ ơ chính trị của đa số người dân và nền chính trị độc tài, các nhà hoạt động Ai Cập đã vận dụng mạng xã hội Facebook để vận động thay đổi xã hội và thành công. Đâu là những chiến lược bất bạo động của họ? Đối mặt với một cuộc bầu cử dàn dựng họ đã làm gì? Và làm sao họ có thể đoàn kết với nhau trong một phong trào vì mục tiêu chung để dành thắng lợi cuối cùng? Bài viết cập nhật các sự kiện diễn ra cho đến tháng 12 năm 2010. Nhưng phong trào dân chủ Ai Cập đã chín mùi để ngày 25 tháng 1 năm 2011, cuộc Cách mạng Ai Cập hay còn được gọi là cuộc “Cách mạng 25 tháng 1” diễn ra lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak.

Sherif Mansour, “Egypt’s "Facebook Revolution", Kefaya, and the struggle for democracy and good governance (2008-2011)”, Nonviolent Conflict, 12.2010.

“Cuộc Cách mạng nhờ Facebook” của Ai Cập – Kefaya -- và Cuộc Đấu tranh cho Dân chủ và một Hệ thống Quản trị tốt (2008 – 2011)

Hà Khanh dịch.

---------

TÓM TẮT MÂU THUẪN:

Ai Cập đang trong quá trình chuyển đổi không mấy dễ dàng để tiến tới một nền dân chủ. Chế độ Mubarak đang suy yếu, trong khi sự bất đồng chính kiến đang dâng cao. Với hơn 40% người Ai Cập có mức sống chỉ 2 USD một ngày, tỷ lệ thất nghiệp ước tính 30%, và hơn 30% dân số mù chữ, phần lớn người dân Ai Cập cảm thấy họ bị nhà nước bỏ mặc, nhưng lại không thể lên tiếng bày tỏ những mối quan tâm chính đáng của mình. Sự cai trị độc tài của Mubarak kéo dài gần 30 năm với các luật về tình trạng khẩn cấp đã khiến cho nước này thiếu vắng những thế lực đối lập mạnh mẽ chống lại chế độ. Ai Cập vừa mới tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 11 năm 2010 và dự kiến tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 9 năm 2011. Trong khi chính quyền Ai Cập đang gia tăng những cuộc đàn áp các phe chính trị đối lập, mạng Internet và Facebook đã tạo một không gian khác cho các nhóm xã hội dân sự và lực lượng chính trị mới nổi hoạt động. Các phong trào chống đối ngày một dâng cao, với kế hoạch vận động những người dân trên cả nước chống lại Mubarak và đảng của ông ta một cách ôn hòa trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.


LỊCH SỬ CHÍNH TRỊ:


Ai Cập chính thức giành độc lập từ Anh vào năm 1922, sau khi người Ai Cập tổ chức một phong trào bất tuân dân sự đầy ấn tượng kéo dài ba năm chống lại sự cai trị của thực dân. Cuộc đấu tranh giành độc lập này sau đó được biết đến với tên gọi “Cuộc Cách mạng 1919”. Trong ba thập kỷ tiếp theo, Vua Farouk -- một người có tư tưởng tương đối tự do và được nhiều người ủng hộ -- trị vì Ai Cập. Sau đó, vào năm 1952, một đại tá quân đội trẻ tên là Gamal Abdul Nasser đã lãnh đạo một cuộc đảo chính quân sự, lật đổ chế độ quân chủ, và thiết lập chế độ độc tài quân sự -- mô hình này còn tiếp diễn tới ngày nay. Nasser -- cùng với người kế nhiệm Anwar Sadat -- đã thiết lập một hệ thống chính trị ở Ai Cập mà trong đó, hầu hết mọi quyền lực tập trung vào tay tổng thống, người sử dụng một bộ máy an ninh hùng hậu để duy trì kiểm soát xã hội Ai Cập. Sau vụ ám sát Sadat vào năm 1981, Hosni Mubarak trở thành Tổng thống và nắm quyền kể từ đó trong suốt hơn 29 năm.


Hiện tại, chế độ của Ai Cập được coi là một chế độ hỗn hợp, trong đó các hoạt động dân chủ hiện diện, nhưng còn hời hợt. Kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 1952, quyền lực nằm trong tay quân đội. Mubarak và những người lãnh đạo Đảng Dân chủ Quốc gia (NDP) đã nỗ lực tạo tính chính danh cho mình với nhân dân bằng cách tổ chức các cuộc bầu cử mà ở đó họ sử dụng tất cả quyền lực của nhà nước để đảm bảo chỉ có mình họ thắng cử. Năm 2005, Ai Cập tổ chức cuộc bầu cử tổng thống cạnh tranh đầu tiên, cũng như bầu cử quốc hội. Trong cuộc bầu cử tổng thống, Mubarak được công bố giành chiến thắng với tỷ lệ ấn tượng 88,5% tổng số phiếu bầu. Ayman Nour, lãnh đạo Đảng Al Ghad về thứ hai với 7% số phiếu bầu. Đảng NDP giành được hơn 70% tổng số ghế trong quốc hội. Các thành viên Tổ chức Anh em Hồi giáo vốn bị cấm đã ứng cử dưới dạng các ứng viên độc lập và về thứ hai với 20% số ghế. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, không quá 30% số cử tri có đăng ký có mặt trong ngày bầu cử. 70% những người Ai Cập đủ tư cách bỏ phiếu đã không tham gia, vì họ không tin vào quy trình bầu cử.


Thiếu đi sự minh bạch và tín nhiệm, các cuộc bầu cử ở Ai Cập tiếp tục gặp phải những vấn đề về đăng ký cử tri, tự do vận động tranh cử, và tổ chức đảng phái chính trị. Bên cạnh những hạn chế còn tồn đọng về hoạt động chính trị, vào tháng 3 năm 2007, chính phủ sửa đổi Điều 88 của Hiến pháp, nhằm dỡ bỏ sự giám sát tư pháp đối với các cuộc bầu cử. Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2008, các giám sát viên bị hạn chế tiếp cận cuộc bầu cử, phần lớn trong số họ không được vào địa điểm bỏ phiếu để quan sát, và không ai được phép có mặt trong quá trình kiểm phiếu. Vì vậy, cả hoạt động quản lý lẫn giám sát cuộc bầu cử đều nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Nội vụ.


Trên thực tế, tại Ai Cập, căn cứ theo Hiến pháp, tổng thống kiểm soát toàn bộ chính phủ. Tổng thống Hosni Mubarak đã cầm quyền trong suốt 28 năm qua với quyền lực không giới hạn nhờ có “Luật Tình trạng Khẩn cấp”. Ông ta siết chặt sự kìm kẹp trên cả hệ thống bằng cách sử dụng lực lượng tình báo và cảnh sát mật hùng hậu, những người được hưởng quyền lực to lớn và quyền miễn trừ pháp lý. Các lực lượng an ninh này khét tiếng với việc sử dụng các hình thức tra tấn thường xuyên và tàn nhẫn. Chính phủ Ai Cập còn dùng các luật tình trạng khẩn cấp để hạn chế quyền tự do lập hội. Các đạo luật khác cũng quy định nhiều hạn chế đối với việc đăng ký và tổ chức các đảng phái chính trị, cũng như các tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên, sức khỏe của Mubarak ngày càng suy yếu, vì vậy, ông ta chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho con trai, Gamal, người sẽ cố gắng kế tục di sản của cha mình, đồng thời tạo nên một hình ảnh trẻ trung, tươi mới hơn. Nhiều người trong chế độ, cũng như phần lớn các đảng đối lập, đã bày tỏ quan ngại với kế hoạch cha truyền con nối này. Ayman Nour, người đứng đầu đảng chủ trương tự do Al Ghad, đã tuyên bố sẽ huy động lực lượng đối lập chống lại Mubarak hoặc con trai ông ta, nếu một trong hai người này tham gia tranh cử tổng thống năm 2011.


Nổi bật hơn cả, Tiến sĩ Mohamed Elbaradei, người đã từng nhận giải Nobel và nguyên là Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cũng tuyên bố sẵn sàng tham gia tranh cử, nếu quy trình bầu cử được sửa đổi để đảm bảo cạnh tranh trung thực. Tuyên bố này đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của những thanh niên và các đảng đối lập, những người đã chào mừng sự trở lại của Elbaradei và đón tiếp ông như một anh hùng tại sân bay Cairo. Họ đã tham gia nhóm hỗ trợ trực tuyến của ông, nhóm này đã mở rộng lên tới gần một triệu thành viên trực tuyến.


CÁC HÀNH ĐỘNG CHIẾN LƯỢC:


A. KHẮC PHỤC SỰ THỜ Ơ THÔNG QUA THẾ HỆ TRẺ VÀ CÔNG NGHỆ INTERNET


Một thách thức trong việc đối phó với Mubarak và bộ máy an ninh của ông ta đó là: cần phải huy động rất nhiều người tham gia để hoạt động phản kháng diễn ra thành công. Tuy nhiên, tâm lý thờ ơ đã lan tràn trong xã hội Ai Cập do hậu quả của việc chính phủ đàn áp các ý kiến bất đồng trong nhiều năm liền. Chẳng hạn, chỉ có 23% số cử tri có đăng ký đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2007. Gần đây, trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2010, số người đi bỏ phiếu dự đoán trong khoảng 35% (theo ước tính của chính phủ Ai Cập) cho tới dưới 10% (theo ước tính của một số nhà quan sát địa phương). Một nhà hoạt động chính trị có tiếng cho rằng đây là tỷ lệ tham gia bỏ phiếu thấp nhất trong bất kỳ cuộc bầu cử nào từng có trước đây ở Ai Cập. Tỷ lệ cử tri thường xuyên đi bỏ phiếu ít ỏi này chủ yếu được phân chia cho đảng cầm quyền của Mubarak, Tổ chức Anh em Hồi giáo, và một phần nhỏ cho các đảng thế tục khác. Đa số những người Ai Cập khác vẫn chưa có đủ niềm tin vào quy trình bầu cử.


Sự thờ ơ này đang được một thế hệ mới các nhà hoạt động chính trị giải quyết bằng cách sử dụng Internet và công nghệ điện thoại di động để tiếp cận với nhiều người dân trong xã hội hơn. Ai Cập có hơn 20 triệu người sử dụng Internet và 42 triệu người sở hữu điện thoại di động, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác ở Châu Phi. Đất nước này cũng có hơn 162.000 blogger. Đa số họ là những người trẻ tuổi, họ chưa từng nhìn thấy vị tổng thống nào khác ngoài Mubarak trong cuộc đời mình. Internet đã trở thành nơi gặp gỡ được ưa chuộng của những thanh niên Ai Cập bất mãn với chế độ. Năm 2008, một nhóm trên trang mạng xã hội Facebook đã huy động được 80.000 người ủng hộ để chống lại việc giá lương thực leo thang. Hoạt động kết nối trên Facebook còn đóng vai trò then chốt trong việc mở rộng sự ủng hộ, cũng như làm gia tăng số người tham gia cuộc đình công và chống đối của công nhân ngành dệt vào ngày 6 tháng 4 năm 2008.


Vào ngày 6 tháng 4 năm 2008, chính phủ Ai Cập bị sốc khi phát hiện ra gần một phần ba dân số cả nước nghỉ ở nhà vào hôm đó, điều này cho thấy đây là cuộc vận động có quy mô lớn, được tổ chức trên mạng, và thành công đầu tiên ở Ai Cập. Chính phủ cố gắng làm thỏa mãn một số đòi hỏi của những người tham gia đình công, bằng cách giảm giá một số mặt hàng thiết yếu và tăng lương hàng năm ở một tỷ lệ chưa từng có, nhưng chính phủ cũng bắt giam một số người tổ chức vận động trực tuyến trong vài tuần. Kể từ đó, ngày 4 tháng 6 trở thành ngày cả nước thể hiện bất đồng chính kiến, khi mà tất cả các tổ chức xã hội và chính trị huy động và kêu gọi cải cách.


Một trong những ví dụ ấn tượng gần đây ở Ai Cập liên quan tới trường hợp của Khaled Saeid, một thanh niên Ai Cập bị cảnh sát tra tấn cho đến chết vào tháng 6 năm 2010. Ngay sau cái chết của chàng trai này, hàng ngàn thanh niên đã mặc đồ đen để phản đối trên khắp đất nước. Chàng trai trẻ này đã trở thành biểu tượng quốc gia chỉ trong vài ngày, hơn 250.000 người đã tham gia vào một nhóm trên Facebook yêu cầu điều tra vụ án của anh và kêu gọi đưa những cảnh sát đã tra tấn anh ra trước vành móng ngựa. Trong vài tuần, truyền thông quốc gia lẫn quốc tế đã khai thác vấn đề này, khiến nó trở thành một nỗi hổ thẹn lớn cho cả chế độ, đến mức họ phải ra lệnh xét xử gấp rút những cảnh sát có liên quan.


B. TẬN DỤNG VẤN ĐỀ KẾ NHIỆM TỔNG THỐNG ĐỂ ĐOÀN KẾT LỰC LƯỢNG ĐỐI LẬP


Như đã nói ở trên, vấn đề kế nhiệm ở Ai Cập khiến cho giới quan sát trong và ngoài nước quan ngại. Khi mà nước này không có phó tổng thống, và chỉ có một tổng thống đã già cả, ốm yếu, nhiều người băn khoăn ai sẽ lấp đầy khoảng trống chính trị đó. Phong trào quần chúng Kefaya (có nghĩa là “Đủ rồi”) được ra đời năm 2003 để nêu bật lên vấn đề này.


Từ năm 2003 đến 2006, Kefaya tạo dựng một liên hiệp các nhóm và cá nhân rộng khắp, từ những phe phái chính trị, tôn giáo, ý thức hệ khác nhau, nhằm thách thức Mubarak và người kế nhiệm tiềm năng, con trai ông ta Gamal. Khả năng của Kefaya trong việc tập hợp các nhóm và tổ chức đa dạng, xoay quanh một mối quan tâm chung, là một điều chưa từng thấy trên chính trường Ai Cập. Phong trào đã nâng cao hình ảnh của mình một cách đáng kể trong cuộc trưng cầu dân ý cải tổ hiến pháp và cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2005, bằng cách áp dụng một phong cách phản kháng mới trên vũ đài chính trị Ai Cập, lần đầu tiên giúp đoàn kết các lực lượng chính trị khác nhau. Kefaya kết nối nhu cầu tự do chính trị với niềm tự hào quốc gia, điều mà hàng ngày, mọi người dân Ai Cập đều cảm nhận về tầm quan trọng then chốt của đất nước họ trong khu vực, xét theo các mặt lịch sử, địa lý, và chiến lược.


C. GIÀNH SỰ ỦNG HỘ CỦA MỸ VÀ PHƯƠNG TÂY


Nhờ vào vị trí địa lý và chính trị của mình ở Trung Đông lẫn Châu Phi, Ai Cập đã trở thành đồng minh chiến lược của Mỹ và phương Tây. Để đổi lấy sự giúp đỡ của nước này trong các vấn đề khu vực đa dạng (đặc biệt là hiệp ước hòa bình với Israel năm 1979), chính phủ Ai Cập nhận viện trợ từ phương Tây trung bình hơn 2 tỷ USD hàng năm. Lực lượng đối lập ở Ai Cập đã cố gắng tận dụng mối quan hệ của nước này với các quốc gia phương Tây, bằng cách thỉnh cầu chính phủ nước ngoài sử dụng ảnh hưởng của họ với Ai Cập để hỗ trợ phát triển nền dân chủ và bênh vực những người bảo vệ nhân quyền ở Ai Cập.


Ví dụ, năm 2003, Mỹ, một trong những nhà viện trợ lớn nhất về quân sự và phát triển cho Ai Cập, đã gây áp lực buộc Mubarak thả tự do cho Tiến sĩ Saad Eddin Ibrahim, một nhà hoạt động dân chủ hàng đầu ở Ai Cập. Trong vòng vài tháng, Tiến sĩ Ibrahim được thả tự do. Sức ảnh hưởng đó lại một lần nữa được chính quyền của tổng thống mới đắc cử Obama sử dụng để thả tự do cho Ayman Nour, tù nhân chính trị nổi tiếng nhất Ai Cập. Cả Tiến sĩ Ibrahim và Tiến sĩ Nour đã bị kết tội nhạo báng một cách phi pháp do các hoạt động chính trị của họ. Trong trường hợp của Khaled Saied năm 2010 được nêu trên, cả Mỹ và Liên minh Châu Âu đều nói chuyện một cách thẳng thắn về vụ án này trong các cuộc họp với chính phủ và báo chí Ai Cập, vì vậy, đã tạo thêm nhiều áp lực buộc chính phủ phải truy tố các nhân viên cảnh sát chịu trách nhiệm cho vụ việc.


Tuy nhiên, những phản ứng gần đây của Mỹ và các nước Châu Âu đối với gian lận trong bầu cử Quốc hội ở Ai Cập vào tháng 11 năm 2010 khiến nhiều nhà hoạt động chính trị Ai Cập thất vọng. Mohamed Elbaradei, người vốn nổi tiếng kín đáo trong những bình luận của mình, đột ngột đưa ra những lời chỉ trích trong một cuộc phỏng vấn với một tờ nhật báo của Ai Cập về chủ đề này. Ông nói:


“Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ đang ‘hoang mang’. Tôi thực sự hoang mang vì nỗi hoang mang của họ. Một đất nước đang bị tước đoạt đi tinh thần – đó là thực chất của chính cơ quan lập pháp. Và rồi, hãy so sánh điều đó với phản ứng trước bầu cử ở Iran; hãy so sánh với cuộc bầu cử ở Miến Điện. Hãy so sánh với phản ứng trước Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Tôi không nói rằng phương Tây phải áp đặt mô hình dân chủ của họ. Tôi không nói rằng họ là những người sẽ thay đổi Ai Cập, hay chuyển nó từ một chế độ công an trị sang chế độ dân chủ. Nhưng đây là những giá trị nhân văn. Nếu bạn muốn có được uy tín, bạn phải nhất quán trong hành động của mình. Bạn không thể nói “Cuộc bầu cử ở Iran thật tệ” chỉ vì bạn không thích Ahmedinejad. Thông điệp mà bạn đang gửi tới mọi người là bạn chỉ toàn nói khoác.”


D. CAM KẾT SỬ DỤNG NHỮNG BIỆN PHÁP BẤT BẠO ĐỘNG


Lực lượng đối lập của Ai Cập luôn ôn hòa trong tầm nhìn, kế hoạch, và triển khai chiến lược. Ngoại trừ một số vụ bạo lực của dân thường ở thành phố Al-Mahala vào ngày 6 tháng 4 năm 2008 trong cuộc đình công của công nhân, cả những người lãnh đạo lẫn các thành viên của phong trào đối lập đều sử dụng biện pháp bất bạo động để đối phó với các đợt đàn áp liên tục của chính phủ. Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất là những người chống đối ở thành phố Cairo đã bắt chước hành động của những người Ukraine trong cuộc Cách mạng Cam 2004 bằng cách trao hoa hồng cho những binh lính trấn áp họ. Một ví dụ khác, họ phản ứng trước lệnh bắn vào người biểu tình của một số thành viên Quốc hội Ai Cập bằng cách tụ tập thành đám đông trước tòa nhà Quốc hội, đeo bia tập bắn trước ngực, thách thức cảnh sát nổ súng.

CÁC DIỄN BIẾN TIẾP THEO:


Bất chấp những hạn chế và đàn áp của chính phủ, xã hội dân sự Ai Cập tiếp tục đấu tranh để thay đổi chính trị. Sức khỏe ngày càng suy yếu của Tổng thống Mubarak càng khiến người Ai Cập suy nghĩ nhiều hơn về tương lai của đất nước.


Được tiếp thêm sức mạnh nhờ sự đón chào nồng nhiệt mà ông nhận được, Mohamed Elbaradei phát động một chiến dịch quốc gia nhằm đoàn kết lực lượng đối lập xoay quay một đề xuất chung nhằm sửa đổi hiến pháp, cái mà ông gọi là “Liên minh Quốc gia vì Thay đổi”. Chiến dịch nhằm thu thập hàng triệu chữ ký ủng hộ từ người dân Ai Cập. Ông đã thu thập được hơn một triệu chữ ký (trên mạng và ngoài mạng) trong vòng ba tháng. Mức độ thành công của chiến dịch này phụ thuộc vào khả năng thu hút giới trẻ và các phương tiện truyền thông mới, sự sẵn sàng mạo hiểm khi vận động trên đường phố, và khả năng thu hút các lãnh tụ đối lập khác để trở thành ứng cử viên để tạo ra thay đổi, chứ không chỉ là ứng cử viên cho vị trí tổng thống. Nhiều lãnh tụ đối lập nói họ ủng hộ Elbaradei làm người lãnh đạo tạm thời, để chuyển đổi đất nước và hệ thống chính trị trong vài năm, cho tới khi có các cuộc bầu cử thực sự tự do và công bằng.


Ayman Nour, lãnh đạo Al Ghad, tuyên bố ý định thúc đẩy cải cách chính trị trước thềm cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2011. Ông đã mở chiến dịch trên phạm vi quốc gia và quốc tế để tăng cường sự ủng hộ cho lời kêu gọi cải cách của ông. Hamdeen Sabahi, lãnh tụ xuất chúng của đảng Nasserite và hiện là thành viên quốc hội, cũng ủng hộ việc tranh cử tổng thống của Nour.


Các đảng tự do khác (Al Wafd và Al Gabha) có thể không có những ứng cử viên độc lập mạnh, nhưng họ đang tận dụng khả năng hợp tác với nhau và tiếp cận với các tổ chức quan trọng khác như Tổ chức Anh em Hồi giáo, những người được dân thường ủng hộ mạnh mẽ nhờ sự tín nhiệm về mặt tôn giáo và việc họ cung cấp các dịch vụ xã hội. Họ cũng phối hợp với phong trào thanh niên đang dâng cao được khơi dậy trên Internet.

Các nhóm ủng hộ khác bao gồm Câu lạc bộ của các Thẩm phán – một hiệp hội các thẩm phán có khả năng đe dọa nghiêm trọng đối với quyền lực chính trị của chế độ độc tài. Câu lạc bộ các Thẩm phán đã đấu tranh giành quyền độc lập khỏi cơ quan hành pháp của chính phủ trong nhiều năm trời. Họ quản lý và giám sát các cuộc bầu cử trước đó vào năm 2000 và 2005, tạo điều kiện cho bầu cử tự do và công bằng hơn. Một phần lãnh đạo của họ đang tiếp tục vận động các thẩm phán quản lý và giám sát các cuộc bầu cử sắp tới.

Một nhân tố quan trọng khác trong phong trào cải cách đang dâng cao là các phương tiện truyền thông độc lập, bao gồm báo chí cũng như các kênh truyền hình vệ tinh độc lập. Chúng đã vượt qua những rào cản của chế độ và mở rộng quyền tự do ngôn luận trong nước.


Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ về dân chủ, nhân quyền, và phát triển đang đóng vai trò hỗ trợ đáng chú ý. Các tổ chức này đóng vai trò tích cực trong việc giám sát bầu cử năm 2005 và kể từ đó, sử dụng tối đa những nguồn tài chính nước ngoài để nâng cao nguồn lực và khả năng của mình.


Tất cả những lực lượng này đều tích cực hoạt động trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 năm 2010, mà kết quả của nó đóng vai trò then chốt trong việc định hình sự mâu thuẫn giữa chính phủ Ai Cập và lực lượng đối lập. Mặc dù lực lượng đối lập thống nhất kêu gọi cải cách quy trình bầu cử trước thềm cuộc bỏ phiếu, chính phủ Ai Cập vẫn hứa hẹn bầu cử tự do và công bằng, nhưng không đưa ra bất kỳ đảm bảo hay thay đổi nào về pháp lý liên quan đến việc tổ chức bầu cử. Phản ứng trước chế độ, lực lượng đối lập chia thành hai phe. Phe thứ nhất, bao gồm Liên minh vì Thay đổi của Elbaradei, các đảng tự do Al Ghad và Al Gabha, quyết định tẩy chay cuộc bầu cử. Phe thứ hai, bao gồm Tổ chức Anh em Hồi giáo và Đảng tự do Al Wafd, lựa chọn tham gia bầu cử. Như dự đoán, vòng đầu tiên của cuộc bầu cử chứng kiến hàng loạt sai phạm, gian lận, và bạo lực, dẫn tới sự thống trị gần như hoàn toàn của đảng cầm quyền. Sau khi chứng kiến vô số những vi phạm và sự thất bại của hầu hết tất cả các ứng cử viên đối lập, các lực lượng đối lập hàng đầu, bao gồm Đảng Al Wafd mang tư tưởng tự do và Tổ chức Anh em Hồi giao, quyết định rút khỏi cuộc tranh cử với 10% số ghế trong Quốc hội mà họ đủ điều kiện giành được, từ chối công nhận số ghế ít ỏi mà một số thành viên đã giành được, và về phe các đảng đối lập khác, những người đã tẩy chay cuộc bầu cử ngay từ đầu.

Các nhà quan sát coi cuộc bầu cử là một sai lầm chiến lược của chế độ Ai Cập. Thay vì chỉ giành đủ những gì họ thực sự cần, tức là đa số 2/3 để giúp họ có quyền kiểm soát quy trình lập pháp trong khi dành một số ghế cho lực lượng đối lập để những người này vẫn tồn tại nhưng không có tiếng nói thực sự, chính phủ Ai Cập lại giành lấy mọi thứ và chẳng để lại gì để hi vọng, điều này cho thấy họ yếu kém và thiếu tự tin. Mặc khác, các cuộc bầu cử là cơ hội để lực lượng đối lập đoàn kết lại. Việc gia nhập trở lại phe tẩy chay bầu cử của Tổ chức Anh em Hồi giáo và Đảng Al Wafd là một chiến thắng cho Elbaradei và cuộc đấu tranh đòi cải cách hệ thống của ông.


Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Quốc hội Ai Cập không có bất kỳ đại diện thực sự nào từ lực lượng đối lập (hiện tại, chỉ có 3% số ghế không thuộc Đảng NDP, và 3% đó do thành viên các đảng đối lập giả tạo liên minh với chính phủ nắm giữ). Những đảng đối lập thực sự không thừa nhận tính hợp pháp của Quốc hội, họ thành lập một “quốc hội song song” đại diện cho những thành viên đối lập thực thụ, nhằm công khai thách thức quốc hội mới, và kêu gọi mọi người tham gia tẩy chay bầu cử nếu quy trình bầu cử không được sửa đổi trước kỳ bầu cử tổng thống tháng 9 năm 2011.