Tuesday, January 24, 2017

Trật tự thế giới 2.0

RICHARD N. HAASS

(World Order 2.0)
Vấn đề về Nghĩa vụ Chủ quyền
Foreign Affairs (số tháng 1 / 2 năm 2017)
Song Phan dịch

====================

Gần bốn thế kỉ, tính từ Hòa ước Westphalia, kết thúc Cuộc chiến tranh Ba mươi năm, khái niệm về chủ quyền—quyền của các quốc gia đối với việc tồn tại độc lập và nền tự chủ—đã chiếm vị trí cốt lõi trong cái mà trật tự quốc tế có tới giờ. Điều này có ý nghĩa, vì như mỗi thế kỉ kể cả thế kỉ hiện tại đã chứng kiến, một thế giới trong đó các đường biên giới bị xâm phạm bằng vũ lực là một thế giới của sự bất ổn và xung đột.


Tuy nhiên, một cách tiếp cận trật tự quốc tế chỉ dựa trên tiền đề về việc tôn trọng chủ quyền cùng với sự duy trì cân bằng quyền lực cần thiết để giữ nó an toàn không còn đủ nữa. Hệ điều hành truyền thống của thế giới—gọi nó là trật tự thế giới 1.0—đã được xây dựng xung quanh việc bảo vệ và đặc quyền của các quốc gia. Nó ngày càng không thích đáng trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay. Bậy giờ không còn bao nhiêu thứ vẫn còn giữ tính địa phương; dù là về con người hay bất cứ thứ gì, từ khách du lịch, kẻ khủng bố, và người tị nạn đến e-mail, bệnh tật, đô la, và khí nhà kính, đều có thể vươn tới gần như bất cứ nơi nào. Kết quả là những gì diễn ra bên trong một nước không còn có thể xem là mối quan tâm của chỉ một mình nước đó. Tình thế hiện nay đòi hỏi phải cập nhật hệ điều hành—gọi nó là trật tự thế giới 2.0—bao gồm không những các quyền của các quốc gia có chủ quyền mà còn các nghĩa vụ của các quốc gia đối với quốc gia khác nữa.

Một khái niệm về “nghĩa vụ chủ quyền” như thế, đáng chỉ ra, khác với khái niệm “chủ quyền như là trách nhiệm”, vốn nằm ở trung tâm của các chủ thuyết pháp lí gọi là “trách nhiệm bảo vệ”, hoặc R2P (responsibility to protect). R2P đề cập đến nghĩa vụ một chính phủ phải có đối với công dân của chính mình—những cam kết được giả định là có thể bị các quốc gia khác cưỡng chế thi hành thông qua nhiều biện pháp lên đến và kể cả can thiệp quân sự, nếu chểnh mảng. Nó rõ ràng thể hiện một sự vi phạm tiềm năng chủ quyền Westphalia cổ điển, và nó có những người ủng hộ và kẻ phản đối vì chính lí do đó. Ngược lại, nghĩa vụ chủ quyền là về cái mà một quốc gia có trách nhiệm với các nước khác. Nó bắt nguồn từ nhu cầu mở rộng và làm thích ứng những nguyên tắc truyền thống của trật tự quốc tế trong một thế giới kết nối lẫn nhau.

Nghĩa vụ chủ quyền do đó vẫn giữ lại việc tôn trọng biên giới và chống lại việc biên giới bị thay đổi thông qua cưỡng ép hoặc vũ lực. Nó ủng hộ các hành động thực thi tiêu chuẩn chống xâm lược, dù vụ việc liên quan đến Iraq xâm lược Kuwait hay Nga xâm lược Crimea. Và nó vẫn giữ lại việc tôn trọng quyền được hành động nói chung của các chính phủ theo ý họ bên trong biên giới của mình, với điều kiện chịu sự ràng buộc của các quy định được chấp nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, chẳng hạn như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước chống diệt chủng. Nghĩa vụ chủ quyền không chối bỏ hoặc thay thế cách tiếp cận truyền thống đối với trật tự—một cách tiếp cận vẫn còn cần nhưng không còn đủ nữa— nhiều như nó được xây dựng trên đó.

TỪ TRẠNG THÁI QUỐC GIA ĐẾN KHỦNG BỐ VÀ BOM

Một trật tự quốc tế mới sẽ đòi hỏi phải mở rộng bộ các chuẩn mực và thỏa thuận, bắt đầu với một cơ sở đồng ý chung cho trạng thái quốc gia (statehood). Không thể có một quyền không giới hạn cho mỗi một và mọi cộng đồng để đạt được quyền tự quyết chính trị. Việc đạt được một sự đồng thuận về việc hạn chế quyền này như thế nào sẽ không dễ dàng, nhưng cần thiết để tránh các hành động đơn phương gây ra xung đột. Một khởi đầu tốt sẽ là sửa đổi khái niệm về quyền tự quyết để nó được coi như là một cái gì đó không những phải được khẳng định mà còn phải được trao cho. (Thoả thuận 1978 ở Trại David giữa Ai Cập và Israel, chẳng hạn, không mở rộng các nguyên tắc về quyền tự quyết cho người Palestine mà là ủng hộ quan điểm cho rằng “các đại biểu của dân Palestine phải tham gia vào các cuộc đàm phán về việc giải quyết các vấn đề Palestine trong mọi khía cạnh của nó.“)

Toàn cầu hóa là chuyện lâu dài, và những bất cập của phương pháp truyền thống với trật tự sẽ chỉ trở nên rõ ràng hơn theo thời gian.

Với cách tiếp cận như vậy, ủng hộ cho quyền tự quyết sẽ ít tự động hơn là trong thời kỉ giải thuộc địa. Các chính phủ hiện tại sẽ đồng ý xem xét các đề xuất cho trạng thái quốc gia trong những trường hợp ở đó có một sự biện minh lịch sử, một lí lẽ thuyết phục, sự ủng hộ phổ biến, và khả năng tồn tại khi xét tới thực thể mới được đề xuất. Tác động của một động thái như vậy về việc có thể có nước từ bỏ lãnh thổ và dân số cũng sẽ cần phải được xem xét, và các chính phủ sẽ đồng ý tham vấn với nhau trước khi thực hiện các động thái ngoại giao.

Yếu tố cốt lõi của một khuôn khổ cho trật tự quốc tế dựa trên nghĩa vụ chủ quyền sẽ là những cấm đoán về việc thực hiện hoặc ủng hộ khủng bố theo cách nào đó, được định nghĩa như là việc sử dụng bạo lực vũ trang có chủ ý của các thực thể phi nhà nước chống lại dân thường và những người không là chiến binh để theo đuổi các mục tiêu chính trị. Trong những thập kỉ gần đây, thế giới đã rời xa khỏi việc dung túng bọn khủng bố nếu thấy rằng mục tiêu của họ không chính đáng. Việc quốc tế lên án khủng bố cũng như việc ủy quyền cho hành động tập thể chống lại nó đã thành lệ. Chừng nào mà các chính phủ theo đuổi việc tấn công chống khủng bố vào các cá nhân hoặc nhóm là khủng bố thực sự, và vạch ra các cuộc tấn công sao cho chúng phù hợp với các tiêu chuẩn pháp lí và đạo đức, bao gồm việc thực hiện các bước để bảo vệ thường dân vô tội, thì họ sẽ không bị chỉ trích đáng kể.

Gây tranh cãi nhiều hơn sẽ là việc ủng hộ tiêu chí chống lại sự phổ biến hoặc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Có một khuynh hướng quốc tế hiện hành (được Hiệp ước không phổ biến hạt nhân nhấn mạnh) ngăn chặn phổ biến vũ khí bằng cách hạn chế các nước tiếp cận với công nghệ và chất liệu có liên quan, và sự chống đối của các cường quốc chính với việc Iran có được khả năng hạt nhân cho thấy cách tiếp cận đó có thể tạo dễ dàng cho tiến trình ngoại giao. Nhưng sự đồng thuận thường bị phá vỡ khi đi vào các chi tiết về những điều gì cần nhấn mạnh và những khuyến khích hoặc trừng phạt nào cần đưa ra—và các chính phủ đã cho thấy khả năng họ phát triển hoặc có được vũ khí hạt nhân chống lại sự phản đối quốc tế, nếu họ làm việc đó tới mức thành một ưu tiên.

Thậm chí tranh chấp nẩy sinh nhiều hơn về những gì phải làm một khi việc phổ biến [vũ khí hạt nhân] đã xảy ra. Một lựa chọn là cứ sống với nó, như đã xảy ra trong trường hợp Israel, Ấn Độ, Pakistan, và cho đến nay, Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, việc chấp nhận trên thực tế như vậy có thể có nguy cơ, vì nó có thể làm hành vi nguy hiểm thành có khả năng lẫn vì nó có thể tiếp tục pha loãng chuẩn mực không phổ biến hạt nhân, do đó có khả năng khuyến khích sự phát triển thêm. Một giải pháp thay thế cho việc chấp nhận là những nỗ lực ngoại giao bổ sung, được hậu thuẫn bằng cấm vận, nhằm rút lại năng lực hạt nhân của nước phát triển hạt nhân. Vấn đề là những nỗ lực như vậy thường thất bại. Vì vậy, một giải pháp thay thế khác là phải sống với sự phát triển hạt nhân cho đến khi tình báo cho thấy rằng vũ khí sắp được sử dụng hoặc chuyển giao cho một nhóm khủng bố—tại thời điểm đó khả năng xuất hiện cho một cuộc tấn công quân sự phủ đầu chống lại một mối đe dọa sắp xảy ra. Một cuộc tấn công như vậy sẽ đòi hỏi tin tình báo chính xác và tương đối không mập mờ, cùng với ý chí và các phương tiện để thực hiện nó. Có một sự ủng hộ nào đó trong luật pháp quốc tế cho một tư thế như vậy.

Còn một giải pháp khác nữa là cố đạt được sự ủng hộ quốc tế cho tính chính đáng (legitimacy) của hành động phòng ngừa để ngăn chặn phổ biến vũ khí. Các hành động chặn trước nhắm vào các mối đe dọa sắp xảy ra; những hành động phòng ngừa nhắm vào các mối đe dọa trước đó, khi chúng vẫn còn đang gom tụ lại. Hành động phòng ngừa có thể làm gián đoạn chương trình hạt nhân của một nước trước khi bất kỉ loại vũ khí nào được sản xuất hoặc tiêu huỷ chúng sau đó. Nhưng sẽ có không nhiều sự ủng hộ quốc tế cho một lập trường như vậy, vì nó sẽ bị những chính phủ thấy đó như là việc cấp giấy phép cho Hoa Kì tấn công các nước, như Bắc Triều Tiên hay Iran, phản kháng. Nó cũng không nhất thiết được mong muốn, vì bên cạnh những điều khác, một thế giới có các cuộc tấn công phòng ngừa thường xuyên sẽ hung bạo và nguy hiểm hơn.

Có một sự ủng hộ rất đáng kể cho việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng không nhiều cho hành động quân sự để ngăn chặn nó hoặc giảm nó lại một khi nó đã xảy ra. Ủng hộ cho hành động chặn trước khi đối mặt với các mối đe dọa sắp xảy ra sẽ phụ thuộc vào các chi tiết của trường hợp cụ thể và sẽ tăng đến mức có thể được chứng minh rằng những hành động đó là cần thiết. Bắc Triều Tiên vốn đang phát triển khả năng đặt các đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo có thể bay tới Hoa Kì, hứa hẹn sẽ là một trường hợp đang nói. Đưa điều này thành một chủ đề thảo luận tại các cuộc họp song phương và đa phương là có ý nghĩa, không phải vì có khả năng nó sẽ dẫn đến một thỏa thuận chính thức mà còn vì nó sẽ tập trung sự chú ý vào các loại hoàn cảnh có thể dẫn đến việc xem xét hành động dự phòng, hoặc chặn trước—một cái gì đó tới lượt có thể giảm cơ hội cho những hoàn cảnh như vậy nổi lên.

TỪ KHÍ HẬU ĐẾN KHÔNG GIAN MẠNG VÀ XA HƠN

Biến đổi khí hậu theo nhiều cách là biểu hiện tinh túy của toàn cầu hóa. Nó phản ánh tổng số của những gì đang xảy ra; những nước tiếp xúc với và bị ảnh hưởng bởi vấn đề này không đều nhau bất kề phần đóng góp vào nó. Biên giới tính ra vô nghĩa. Có một sự nhất trí rộng rãi, nếu không phải là phổ biến, rằng thay đổi khí hậu là có thật, phần lớn là do hoạt động của con người gây ra, và tạo thành một mối đe dọa lớn đối với tương lai của hành tinh và cư dân của nó. Nhưng sự đồng thuận bị phá vỡ khi nói đến việc xác định cái gì cần phải làm và do ai làm.

Trên nguyên tắc, biến đổi khí hậu là một cái gì đó vốn phải nằm gọn trong khuôn khổ nghĩa vụ chủ quyền, vì những thứ mà một nước thực hiện bên trong biên giới của mình trong việc thải ra carbon có tác động cho toàn thế giới. Nói một cách khác, biến đổi khí hậu là một hệ quả tích lũy của hoạt động địa phương. Như vậy, nó khác một cách cơ bản với, chẳng hạn ô nhiễm nước hoặc ô nhiễm không khí vốn phần lớn là một hệ quả của hoạt động địa phương.

Vấn đề là việc đánh giá phần chia sẻ thoả đáng của mỗi quốc gia trong gánh nặng chống lại nó, qua việc giảm lượng thải carbon của chính mình hay giúp đỡ các nước khác giảm đi lượng thải của họ. Những nỗ lực để thiết lập mức trần toàn cầu, phân bổ phần chia sẻ của từng nước, hoặc gán một cái giá cho carbon đã bị phản kháng. Tuy nhiên, Hội nghị Paris năm 2015 cho thấy một số hiện thực cũng như tính sáng tạo qua việc tiến hành một cách tiếp cận khác nhau. Một mục tiêu tổng thể đã được thiết lập để hạn chế biến đổi khí hậu, nhưng không đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho các nước về những gì cần phải làm để đạt được mục tiêu đó. Điều đó là hoàn toàn tự nguyện và ước vọng hơn là bắt buộc. Thật vậy, người ta đãt hoả thuận rằng mỗi nước sẽ tư thiết lập cho mình những mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được trong việc giảm lượng carbon và sau đó cố thực hiện theo cam kết của mình.

Đó là một bước tiến về hướng nghĩa vụ chủ quyền, và chính phủ các nước giàu có nên đưa ra các hình thức khuyến khích để giúp các nước khác đạt được mục tiêu của họ, cũng như xem xét hình phạt loại này hay loại khác cho những nước không thực hiện. Cũng có nhiều việc sẽ phải làm để giúp các nước thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu vốn đang diễn ra; biết rằng qua nhiều thập kỉ các nước phát triển đã góp phần đáng kể trong việc tạo ra vấn đề này, việc họ nên giúp trang trải các chi phí giảm thiểu và thích ứng của các nước khác như một phần của nghĩa vụ chủ quyền là điều hợp lẽ.
Không gian mạng là lĩnh vực hết sức mới trong hoạt động quốc tế, một lĩnh vực được đánh dấu bằng cả hợp tác lẫn xung đột. Một số hoạt động trong không gian mạng là vô hại và ít dính dáng tới an ninh quốc gia, trong khi các hoạt động khác được kết nối mật thiết với chính sách đối ngoại, tình báo, và việc cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu trong lĩnh vực này nên tạo ra các thỏa thuận quốc tế nhằm khuyến khích những cách dùng vô hại không gian mạng và làm nhục chí những cách dùng ma mãnh. Sau đó, các chính phủ sẽ phải duy trì và hành động nhất quán trong chế độ này như là một phần của nghĩa vụ chủ quyền.

Một chế độ như vậy có thể liên quan đến điều gì? Lí tưởng nhất, nó sẽ duy trì một hệ thống không gian mạng tích hợp duy nhất cho toàn cầu, giới hạn những cái chính phủ có thể làm trong việcngăn chặn dòng chảy tự do của thông tin và truyền thông bên trong nó, cấm gián điệp thương mại và trộm cắp tài sản trí tuệ, và giới hạn và làm thui chột ý chí các hoạt động gây rối trong không gian mạng trong thời bình. Các ngoại lệ cần thiết là cho phép tấn công mạng để làm hỏng cả việc phát triển hạt nhân lẫn khủng bố. Cuối cùng, có thể cần phải xây dựng một phụ lục cho luật về chiến tranh trên không gian mạng quy định cụ thể những hành động nào trong phạm vi này được coi là được phép làm và những hành động nào là bị cấm. Và cũng như với khủng bố, với không gian mạng: chính phủ sẽ có nghĩa vụ không chỉ tránh tham gia vào các hoạt động bị cấm mà còn làm mọi thứ trong quyền lực của mình để ngăn chặn các bên khác thực hiện những hoạt động đó từ lãnh thổ của họ và để ngăn chặn và trừng phạt những ai thực hiện .

Đạt được thậm chí sự đồng thuận có giới hạn trên các nguyên tắc như vậy và làm cách nào để duy trì chúng sẽ cần nỗ lực rất lớn. Nhưng vì những vấn đề này vẫn còn tương đối mới, mục tiêu hiện nay là nên bắt đầu xây dựng một bộ quy tắc ứng xử thích hợp cho các quốc gia đi theo lĩnh vực này.
Y tế toàn cầu bày ra những thách thức khác nhau. Trong một thế giới toàn cầu hóa, một đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm ở một nước có thể nhanh chóng phát triển thành một mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe ở những nơi khác, như đã xảy ra trong những năm gần đây với tất cả mọi thứ từ SARS đến Ebola đến Zika. Khái niệm về nghĩa vụ chủ quyền đã đi trước rất xa trong lĩnh vực này, và các nước đã được giả định là phải cố phát hiện các vụ bùng phát bệnh truyền nhiễm, thông báo cho những nước khác trên thế giới, và phản ứng một cách thích hợp khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Nhưng tất cả những điều đó thì nói dễ hơn làm, và các chính phủ cùng Tổ chức Y tế Thế giới không phải lúc nào cũng có khả năng (và trong một số trường hợp, ý chí chính trị) để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Nhiều trợ giúp kĩ thuật và tài chính trong khu vực này là cần thiết, và có thể việc chỉ đích danh và bêu xấu những kẻ né việc sẽ khiến họ cải thiện hon hành vị của mình. 

Về vấn đề người tị nạn, không có cách nào thay thế cho hành động có hiệu quả tại chỗ để cho các tình huống không làm phát sinh mà tạo ra dòng người tị nạn lớn. Trên nguyên tắc, đây là một lập luận cho việc can thiệp nhân đạo dưới sự bảo trợ của R2P. Nhưng diễn dịch nguyên tắc này vào thực tế đã cho thấy là bất khả và có khả năng vẫn khó khăn dù có các chương trình nghị sự chính trị khác nhau (có rất ít, nếu quả có, tình huống là phi chính trị hoặc chỉ đơn thuần là nhân đạo) và cái giá phải trả cho sự can thiệp có hiệu quả là cao ngay cả khi các mục tiêu có chỗ trùng lắp nhau. Tuy nhiên, ngay cả khi không có một sự đồng thuận, vẫn có lập luận để tăng kinh phí cho những người tị nạn, đảm bảo việc họ được đối xử nhân đạo, và thiết lập hạn ngạch công bằng cho việc họ tái định cư, tất cả các điều đó đều có thể và nên được làm thích nghi theo nghĩa vụ chủ quyền.

Nghĩa vụ chủ quyền mang một màu sắc khác trong lĩnh vực kinh tế, vì các chính phủ đã có nhiều sáng kiến tự quan tâm để hành động một cách có trách nhiệm qua việc duy trì một đồng tiền có thể đứng vững được, đảm bảo rằng các tổ chức tài chính giữ dự trữ thoả đáng, thực thi kế toán trung thực, đẩy lùi tham nhũng, tôn trọng hợp đồng, mở rộng thương mại, và chăm bón một môi trường thu hút được đầu tư. Việc tuân theo những cách làm tốt nhất về kinh tế, nói cách khác, là một cái gì đó mà các quốc gia nên làm cho chính mình hơn cả. Nhưng có một số khía cạnh hoạt động kinh tế liên quan khác nằm trong khuôn khổ nghĩa vụ chủ quyền.

Chẳng hạn các thoả ước thương mại, theo định nghĩa, là các hiệp định về nghĩa vụ chủ quyền tương hỗ nhau liên quan đến thuế quan và các hàng rào phi thuế quan. Khi một bên cho rằng nghĩa vụ đó không được đáp ứng thì nhờ đến trọng tài; thực sự, điều đột phá chính của Tổ chức Thương mại Thế giới là cung cấp một cơ chế thường trực để giải quyết các tranh chấp liên quan đến các cách thực hành giao thương và đi đến các dàn xếp. Tuy nhiên, nhiều điều ít rõ ràng hơn ở một số khu vực khác của hoạt động kinh tế, chẳng hạn như việc cung cấp các khoản trợ cấp hoặc việc thao túng tiền tệ của chính phủ để được lợi thế xuất khẩu cho nước mình và gây bất lợi cho nhập khẩu. Thách thức này sẽ phải nêu rõ ràng nghĩa vụ chủ quyền thích hợp trong các lĩnh vực này trong các hiệp ước thương mại trong tương lai và tạo ra các cơ chế để buộc các chính phủ phải có trách nhiệm.

TỪ LÍ THUYẾT ĐẾN THỰC HÀNH

Sẽ khó để đi đến ngay cả một thỏa thuận thô về những nghĩa vụ chủ quyền cụ thể nào mà các quốc gia phải có và các nghĩa vụ đó nên được thực thi như thế nào. Việc biến khái niệm được chấp nhận thành một trụ cột trong trật tự quốc tế sẽ mất nhiều năm hoặc thậm chí hàng chục năm tham vấn và đàm phán, và thậm chí sau đó, việc nó được tuân theo và tác động của nó vẫn sẽ không đều. Nhưng thay vì là lí do từ bỏ dự án, đó là lí do để bắt đầu về nó một cách nghiêm túc và sớm, vì thời đại toàn cầu sẽ tiếp tục phát triển, và các thỏa thuận hiện có sẽ ngày càng không thích hợp để đối phó với các thách thức.

Như một bước đầu tiên, Washington nên nghiền ngẫm những nghĩa vụ nào mà họ sẽ chấp nhận cho chính mình và những nghĩa vụ nào họ sẽ đòi hỏi ở nước khác, cố gắng để vạch ra một bộ quy tắc tổng quát về hành vi thích hợp mà Washington có thể tuân theo cùng với các nước khác. Một bộ quy tắc như thế có khả năng cung cấp một cái gì đó như một la bàn cho chính sách đối ngoại của Mĩ vì nó lèo lái cái hứa hẹn sẽ là một kỉ nguyên địa chính trị phức tạp đặc trưng bởi một số lượng ngày càng tăng các thách thức cho sự ổn định ở cấp khu vực cũng như cấp toàn cầu.

Những nhà quyết định chính sách Mĩ cũng phải đối mặt với thực tế rằng bất kỉ trật tự thế giới nào cũng sẽ hạn chế các lựa chọn của Mĩ cũng như các lựa chọn của những nước khác. Cho dù đúng là Hoa Kì có một vai trò đặc biệt trong thế giới và trách nhiệm duy nhất mà đôi khi đòi hỏi có các hành động táo bạo đơn phương, bất cứ khi nào Hoa Kì đòi hỏi nước khác nhiều hơn đòi hỏi chính mình thì nó có vẻ đạo đức giả và đánh mất thẩm quyền và sự tin cậy. Ví dụ, ở biển Đông, Washington từng chỉ trích Bắc Kinh không tuân theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển—ngay cả khi Quốc hội Mĩ không chịu phê chuẩn chính điều ước đó. (Trường hợp tương tự khác, chẳng hạn như việc Mĩ từ chối gia nhập Toà án Hình sự Quốc tế, có thể được tìm cách xoay xở qua việc chạy vòng quanh, chẳng hạn như cho phép lập ra các toà án để xử lí các sự kiện lịch sử cụ thể.) Tương tự như vậy, khả năng Hoa Kì thuyết phục khác nước giúp người tị nạn nhiều hơn bị cản trở bởi những giới hạn rõ ràng về những gì nước Mĩ tự mình sẵn sàng để làm trong lĩnh vực này. Hoa Kì cũng phải chăm lo để được minh bạch: nó chỉ thực hiện ít ỏi cho mục đích của R2P khi vụ can thiệp vào Libya năm 2012 nhanh chóng biến thành một vụ can thiệp thay đổi chế độ; các can thiệp nhân đạo phải hẹp về phạm vi.

Trong một số lĩnh vực như y tế công cộng hoặc biến đổi khí hậu, tấm gương do hành vi tốt của chính Washington lập ra, cùng với viện trợ tăng thêm, có thể đủ khiến các nước khác đáp ứng nghĩa vụ của họ. Trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như khủng bố và phổ biến vũ khí, ý muốn sử dụng vũ lực quân sự đôi lúc có thể được đòi hỏi —nhưng nếu vũ lực cho thấy trở nên cần thiết, bất kỉ hoạt động quân sự nào sẽ phải chịu sự săm soi cả lí giải lẫn việc thực thi.

Với vai trò của đồng USD là đồng tiền dự trữ trên thực tế (de facto) của thế giới, Hoa Kì cần phải chấp nhận nghĩa vụ đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Điều này có nghĩa là phải tính đến quan điểm của các nước khác khi quyết định về lãi suất hoặc mua sắm tài sản (còn được gọi là “nới lỏng định lượng”). Tham vấn thường xuyên, nghiêm ngặt giữa Ngân hàng dự trữ liên bang (Federal Reserve) và các đối tác ngân hàng trung ương trên thế giới là rất cần thiết. Và các tranh chấp thương mại nên được đưa tới Tổ chức Thương mại thế giới hơn là hành động đơn phương.

Cổ vũ Trật tự Thế giới 2.0 sẽ đòi hỏi tham vấn rất nhiều. Trong một số lĩnh vực như y tế toàn cầu, việc đối thoại đã tiến xa, và thách thức chính là việc xây dựng năng lực quốc gia ở các nước còn thiếu nó. Trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như không gian mạng, thế giới vẫn còn xa mới đạt thỏa thuận về những nghĩa vụ nào cần phải được đòi hỏi . Và trong các lĩnh vực khác nữa, chẳng hạn như phát triển vũ khí, chuẩn mực đã được thoả thuận, nhưng việc thực thi thì rất nhiều tranh cãi. Như một quy luật, Hoa Kì có thể và nên đưa ra những ý tưởng, nhưng không phải ở vị thế về trí tuệ hay về chính trị để trình bày một kế hoạch chi tiết cho các nước khác kỉ vào. Ngược lại, những nước khác phải tham gia trong việc thêm da thịt cho khái niệm cũng nhiều như việc thực thi nó.

Tiến bộ tích cực về chương trình này sẽ cần đạt đến một cách tự nguyện, từ chính các nước hơn là kết quả của một lệnh nào đó từ trên xuống của cơ quan hay diễn viên được coi là có thẩm quyền. Nhìn thẳng vào sự không ăn khớp giữa bản chất và quy mô của các vấn đề đương đại và khả năng của các thoả thuận hiện có để giải quyết chúng, các chính phủ sẽ phải quyết định xem họ có sẵn sàng hi sinh một số quyền tự chủ để đổi lấy hành động tập thể được cải thiện. Loại suy nghĩ này đã phổ biến trong lĩnh vực thương mại (mặc dù hiện nay đang bị phe dân tuý cáu giận ở nhiều nước công kích), và nó đang bắt đầu trở thành hiện thực trong đấu trường khí hậu và không gian mạng, nhưng triển vọng của nó là pha tạp nhiều hơn trong lĩnh vực chính trị-quân sự.

Nhưng sức mạnh của thảo luận và thuyết phục trong việc thúc đẩy thay đổi trong thời gian dài thường bị đánh giá thấp. Nhiều vấn đề chưa đủ chín muồi để đem ra đàm phán chính thức thành công, và trong thời gian chuyển tiếp, tham vấn có thể làm được nhiều thứ để tạo ra sự hiểu biết và khoan dung về một vài hành động nhất định, làm rõ những hành vi nào được xem là phải chăng hoặc chấp nhận được, và làm rõ cái giá phải trả và các hậu quả có thể có của việc vượt quá các giới hạn. Vai trò của Ngoại trưởng và các quan chức Mĩ cao cấp khác sẽ cần phải thay đổi trong tương lai gần, nhấn mạnh nhiều hơn vào tham vấn trên các diễn biến của trật tự quốc tế và ít hơn vào các cuộc đàm phán giải quyết các vấn đề tường minh.

Hầu hết các tham vấn ban đầu nhất thiết sẽ phải dính dáng tới các cường quốc lớn khác, bao gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, và Vương quốc Anh. Các cuộc đàm phán sẽ cần phải diễn ra song phương và ở các diễn đàn không chính thức khác; sẽ là quá sớm để nghĩ tới G-20 hoặc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc như một nơi dùng đàm phán. Tiến bộ sẽ khó nắm bắt trong điều kiện có những bất đồng rõ ràng về những ưu tiên; cụm từ “cộng đồng quốc tế” thường được viện dẫn trong khi thực tế có rất ít bằng chứng thấy nó tồn tại. Và các cuộc đàm phán này sẽ được diễn ra trong bối cảnh quan hệ của các cường quốc lớn đang xấu đi, một phần bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa toàn trị đang hồi sinh tại Nga và Trung Quốc và chủ nghĩa dân túy ở các nơi khác, kể cả ở Hoa Kì.

Tuy nhiên, không có lựa chọn tốt nào khác. Toàn cầu hóa đến và ở lại đây, và những bất cập của cách tiếp cận truyền thống với trật tự, chỉ dựa trên một mình chủ quyền, sẽ chỉ trở nên rõ ràng hơn theo thời gian. Di chuyển về hướng một loại trật tự mới lồng ghép nghĩa vụ chủ quyền vào là cách tốt nhất để đối phó với vấn đề, nhưng sẽ đòi hỏi thời gian, đàm phán, và nỗ lực. Do đó, trật tự thế giới ít trở thành một đề xuất kiểu ‘được ăn cả ngã về không’ hơn thành một vấn đề về mức độ, ít trở thành một thỏa thuận chính thức hơn thành một quá trình, tiến trước ở một số lĩnh vực xa hơn ở những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, điều chắc chắn nó là cốt yếu cho một thế kỉ trong đó toàn cầu hóa sẽ trở thành hiện thực, dù có vui vẻ chào đón hay không. Xây dựng một trật tự thế giới dựa vào nghĩa vụ chủ quyền chắc chắn là điều tham vọng, nhưng đó là một tham vọng sinh ra từ hiện thực, chứ không phải từ lí tưởng.