Tuesday, January 24, 2017

Những Hệ Quả từ Phán Quyết của Toà Trọng Tài Tháng 7/2016

NGUYỄN ĐĂNG THẮNG
National Asian Security Studies Program Issue Brief, Issue 1, No. 5.2 (2016)
Biên dịch: Trần Thị Kim Nguyên
======================

Đặt vấn đề

Trong suốt một khoảng thời gian, những nỗ lực quản lý tranh chấp và thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông đã bị cản trở vì thiếu vắng việc xác định một cách công bằng về mặt địa lý của những vùng biển tranh chấp và không có tranh chấp trong Biển Đông. Phán quyết của Tòa Trọng tài vào ngày 12/7/2016 trong vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng kiện Trung Quốc đã chấm dứt cho tình trạng đó và từ đó mở ra cơ hội hợp tác mới cho các quốc gia trong khu vực. Trong khi còn bỏ ngỏ một số tranh chấp về chủ quyền – đơn giản vì Tòa Trọng tài không có thẩm quyền đối với loại tranh chấp này – Phán quyết làm sáng tỏ các tranh chấp trên Biển Đông một cách hữu ích và tạo dựng một cục diện pháp lý mới. Bài viết này giải thích ý nghĩa của Phán quyết đối với các quốc gia ven Biển Đông và mạnh dạn đưa ra vài đề xuất về chính sách và hành động cho các quốc gia đó trong tương lai.



Biển Đông sau ngày 12/7/2016

Ngày nay, có một sự thật gần như là hiển nhiên rằng tại Biển Đông tồn tại những tranh chấp chủ quyền nan giải ở Biển Đông, đó là tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa giữa Trung Quốc[1] và Việt Nam, đối với quần đảo Trường Sa giữa Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam, và đối với bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines. Nhưng như những nhà bình luận đã nhận xét một cách chính xác, giá trị nội tại của những cấu trúc bé nhỏ này không phải từ bản thân chúng mà từ tiềm năng của chúng trong việc tạo ra các vùng biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)[2] và từ đó, cho phép quốc gia có chủ quyền với chúng quyền tiếp cận đến những nguồn tài nguyên biển có giá trị ở Biển Đông. Tiềm năng đó phụ thuộc vào việc giải thích Điều 121 của UNCLOS[3] – điều khoản phân biệt giữa “các đảo có hiệu lực đầy đủ” có khả năng tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chính nó với các đảo đá không có khả năng này. Trung Quốc khẳng định rằng tất cả các nhóm đảo mà nước này có yêu sách chủ quyền đều là “các đảo có hiệu lực đầy đủ” – một quan điểm trái ngược với tất cả các bên tranh chấp khác.
Ngoài những yêu sách vùng biển rộng lớn dựa vào một cách diễn giải phóng túng Điều 121 UNCLOS, Trung Quốc cũng yêu sách dựa trên học thuyết quyền lịch sử đối với tài nguyên biển trên một diện tích rất rộng của Biển Đông[4] được bao quanh bởi đường chín đoạn mà nhiều người biết đến, được công bố chính thức với cộng đồng quốc tế lần đầu tiên vào tháng 5/2009.[5] Để củng cố yêu sách của mình, Trung Quốc lập luận rằng khái niệm “quyền lịch sử” dựa vào luật quốc tế chung và không bị thay thế bởi UNCLOS. Lập luận này này trái ngược với quan điểm của Philippines, theo đó UNCLOS là cơ sở duy nhất cho việc xác định quyền được hưởng vùng biển ở Biển Đông.

Tòa Trọng tài nói rõ trong Phán quyết ngày 12/7/2016 rằng Tòa không giải quyết các tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông. Nhưng đối với hai loại tranh chấp liên quan đến quyền được hưởng các vùng biển tại Biển Đông như được trình bày ở trên, Tòa Trọng tài đã đưa ra những câu trả lời có trọng lượng. Tòa Trọng tài tuyên bố “rằng […] các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền hay quyền tài phán khác, đối với các vùng biển ở Biển Đông được bao bọc bởi các phần liên quan của “đường chín đoạn” là trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý trong chừng mực các yêu sách đó vượt quá giới hạn địa lý và thực chất của các quyền được có vùng biển mà Trung Quốc được hưởng theo Công ước”.[6] Liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 121, Tòa Trọng tài nhận định rằng những cấu trúc của “bãi cạn Scarborough … là đá không thể duy trì dân cư và đời sống kinh tế riêng […]”[7] và “rằng không có cấu trúc nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất nào ở Trường Sa có thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.”[8] Liên quan đến bãi cạn Scarborough, Tòa Trọng tài cũng khẳng định rằng đã từng tồn tại ngư trường truyền thống cho ngư dân thuộc nhiều quốc tịch,[9] bao gồm Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Xuất phát từ đệ trình có giới hạn của Philippines, Tòa Trọng tài cũng chỉ xác định cụ thể quy chế của mười cấu trúc ở Trường Sa.[10]

Trong khi Phán quyết có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp, bằng việc xác định các giới hạn quyền lợi trên biển của Trung Quốc và Philippines, Tòa Trọng tài, trong một chừng mực nào đó, đã làm sáng tỏ sự mơ hồ về các vùng nước có tranh chấp và không có tranh chấp ở Biển Đông. Một cục diện pháp lý mới ở Biển Đông có thể được mô tả như sau:

Không có vùng nước tranh chấp được tạo ra bởi yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc. Các vùng nước tranh chấp bây giờ được giới hạn trong vùng biển của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa bởi tranh chấp chủ quyền đối với các quần đảo này.[11] Trong trường hợp quần đảo Trường Sa, vùng nước tranh chấp được giới hạn đến lãnh hải của những cấu trúc luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất, một vài cấu trúc trong số đó đã được Tòa Trọng tài xác định.[12] Tương tự, trong trường hợp của bãi cạn Scarborough, vùng nước tranh chấp được giới hạn đến lãnh hải với một điều kiện là các vùng nước này cũng là những ngư trường truyền thống cho ngư dân Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Các vùng nước tranh chấp liên quan đến quần đảo Hoàng Sa dựa vào quy chế của các cấu trúc luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất trong nhóm đảo này[13] – đây vẫn là tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Từ nhận định trên, Philippines, Việt Nam và Malaysia bây giờ có thể tự tin hưởng đầy đủ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở khu vực giữa và phía Nam Biển Đông mà không cần lo ngại về sự chồng lấn với những vùng biển tương ứng tạo ra bởi quần đảo Trường Sa. Đối với khu vực phía Bắc, giới hạn của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có thể chỉ được xác định sau khi quy chế của quần đảo Hoàng Sa được xác định.

Ngoài giới hạn 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển sẽ là vùng biển cả, nơi mà mọi quốc gia được hưởng các quyền tự do nhất định như quy định trong UNCLOS. (Xem bản đồ bên dưới)


Hiện nay, với đệ trình đang chờ được xem xét của Việt Nam và Malaysia, tại Biển Đông sẽ có Vùng (Area) thuộc chế độ di sản chung của nhân loại. Liệu về sau điều này có còn đúng nữa hay không phụ thuộc vào những đệ trình tương lai của các quốc gia ven biển, ví dụ như Philippines, về thềm lục địa mở rộng tương ứng.

Hệ quả cho tương lai

Các hoạt động trên biển được điều chỉnh thông qua việc dẫn chiếu đến vị trí twong đối của chúng tại các vùng biển khác nhau như được phân chia trong UNCLOS, chẳng hạn như lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, biển quốc tế và Vùng. Phán quyết ngày 12/7/2016, như đã mô tả trong những phần trước, đã cho phép các quốc gia phân chia Biển Đông thành các vùng biển khác nhau như quy định của UNCLOS. Theo đó, Phán quyết đã giúp quốc gia hiểu rõ hơn về cách ứng xử trong hiện tại và tương lai tại Biển Đông. Bốn vấn đề liên quan đến hoạt động hợp tác của các quốc gia trong hiện tại và tương lai có thể được liệt kê như sau:

Thứ nhất, các nước ASEAN và Trung Quốc giờ đây có thể biết cách thức để thực hiện đoạn 6 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2020, trong đó trù định các hoạt động hợp tác ở những lĩnh vực không nhạy cảm, ví dụ như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, và chống lại tội phạm xuyên quốc gia.

Thứ hai, trong bối cảnh sinh học của Biển Đông, nguồn cá có giá trị trong Biển Đông có tính di cư cao và có thể xuất hiện cả trong vùng đặc quyền kinh tế và biển cả, điều này khuyến khích hợp tác theo Điều 63 (2) của UNCLOS .

Thứ ba, Biển Đông là một biển nửa kín, nghĩa là các quốc gia ven biển nên hợp tác với nhau trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo UNCLOS như được trù định tại Điều 123. Điều khoản này vừa đề cập đến nhiều hoạt động hợp tác, bao gồm quản lý tài nguyên sinh vật, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học … Các quốc gia ven biển kín và nửa kín cũng được khuyến khích để mời “các quốc gia hay các tổ chức quốc tế khác” để hợp tác với họ trong việc thực hiện điều luật.
Cuối cùng, Trung Quốc và các nước ASEAN đã nhất trí khẩn trương thúc đẩy tham vấn về một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông với mục tiêu là hoàn thành đề cương trong nửa đầu của năm 2017. Điều quan trọng là quyết định của Tòa Trọng tài và các hệ quả của nó nên được tính đến trong các cuộc thảo luận về COC giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong thời gian tới.

Mặt khác, vẫn còn trong danh sách bốn vấn đề mà Phán quyết đã không giải quyết được hoàn toàn và chúng nên là chủ đề của cuộc thảo luận giữa các quốc gia liên quan. Chúng có thể được liệt kê như sau:

Thứ nhất, các quốc gia là một bên trong tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, dưới ánh sáng của Phán quyết, nên thảo luận với nhau về quy chế của các cấu trúc còn lại chưa được khảo sát bởi Tòa Trọng tài. Điều này sẽ giúp làm rõ hơn phạm vi địa lý của các vùng nước tranh chấp liên quan đến quần đảo Trường Sa.

Thứ hai, Phán quyết là quyết định tư pháp đầu tiên giải quyết toàn diện và có thẩm quyền Điều 121 của UNCLOS cũng như việc áp dụng điều khoản này vào các cấu trúc trong quần đảo Trường Sa. Lập luận của Tòa án sẽ hữu ích cho Trung Quốc và Việt Nam trong việc đánh giá (lại) quan điểm tương ứng của mình về quy chế của các cấu trúc trong quần đảo Hoàng Sa. Điều này có thể giúp làm rõ thêm các vùng nước tranh chấp ở Biển Đông cũng như tác động của chúng trên các vùng biển của Trung Quốc và Việt Nam tại khu vực phía Bắc của Biển Đông.

Thứ ba, Tòa Trọng tài đã cho rằng bãi cạn Scarborough đã là một ngư trường truyền thống của ngư dân thuộc các quốc tịch khác nhau, đặc biệt là Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Điều cốt yếu là ba nước này cần thảo luận về một phương thức thích hợp để quản lý và bảo vệ quyền đánh cá truyền thống của ngư dân nước mình.

Cuối cùng, nếu sau khi kiểm tra các dữ liệu lịch sử của khu vực, Tòa Trọng tài cho rằng bãi cạn Scarborough là một ngư trường truyền thống, sẽ là không đi quá xa khi cho rằng các vùng lãnh hải xung quanh các cấu trúc trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng có thể được coi là ngư trường truyền thống của ngư dân các nước khác nhau. Như vậy, một lần nữa vấn đề quản lý và bảo vệ quyền đánh cá truyền thống lại được đặt ra giống như trong trường hợp bãi cạn Scarborough đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Kết luận

Phán quyết ngày 12/7/2017 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông đưa ra những câu trả lời có thẩm quyền cho nhiều vấn đề pháp lý khó khăn vốn từ lâu vẫn gây bối rối cho các nước trong khu vực. Mặt khác, cũng có những vấn đề mà Tòa án đã bỏ ngỏ chưa trả lời được do thẩm quyền hạn chế của mình. Nhưng nếu các quốc gia trong khu vực tiến hành các hoạt động của họ với thiện chí và sự tin cậy, chắc rằng họ sẽ tìm thấy những chỉ dẫn có giá trị và hữu ích từ Phán quyết cho những câu hỏi đã được trả lời và cả những câu hỏi chưa được trả lời. Điều này sẽ giúp quản lý các tranh chấp và thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của sự phát triển ở Biển Đông.

Chú thích

[1] Trong bài viết này, Đài Loan không được nhắc đến vì là một phần của Trung Quốc và yêu sách chủ quyền của Đài Loan hoàn toàn giống với Trung Quốc.
[2] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, Vịnh Montego, 10/12/1982’ 1833 UNTS 396.
[3] Điều 121 có tên là “Chế độ các đảo” quy định:
Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.
Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.
Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.
[4] Theo một tính toán đáng tin cậy, yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc bao trùm 62% Biển Đông mà ranh giới được xác định theo Tổ chức Thủy văn Quốc tế (International Hydrographic Organization) trong tài liệu S-23 Limits of the Oceans and Seas (1953). Xem tại: Limits in the Sea No. 143, n 11.
[5] Đường được miêu tả trong bản đồ đính kèm với Công hàm của Trung Quốc gửi đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc để phản đối đệ trình đơn phương và đệ trình chung của Malaysia và Việt Nam lên Ủy bản Ranh giới về Thềm lục địa về yêu sách thềm lục địa mở rộng trong Biển Đông vào tháng 5/2009.
[6] Phán quyết, Dispositif, para 1203.B.(2).
[7] Phán quyết, Dispositif, para 1203.B.(6).
[8] Phán quyết, Dispositif, para 1203.B.(7)(a).
[9] Phán quyết, Dispositif, para 1203.B.(11).
[10] Theo Tòa Trọng tài, Đá Ga Ven [Gaven Reef (North)], Đá Ken Nan (McKennan Reef), Đá Gạc Ma (Johnson Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) and Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) luôn nổi trên mặt nước lúc thủy triều lên cao nhất trong khi đó Đá Xu Bi (Subi Reef), Đá Lạc [Gaven Reef (South)], Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) là các bãi cạn lúc chìm lúc nổi.
[11] Theo nguyên tắc “đất thống trị biển”, khi chủ quyền đối với vùng đất bị tranh chấp, thì cần hiểu rằng các quyền đối với biển được tạo ra bởi vùng đất đó cũng bị tranh chấp.
[12] Xem chú thích số 10.
[13] Không có vấn đề về ‘đường cơ sở thẳng’ của Trung Quốc xung quanh quần đảo Hoàng Sa, do kết luận của Tòa Trọng tài ở Biển Đông là Trung Quốc không phải là một quốc gia quần đảo; và theo đó không được phép gộp một nhóm các đảo (trong trường hợp áp dụng với quần đảo Trường Sa) vào trong một hệ thống đường cơ sở quần đảo hoặc đường cơ sở thẳng, bao quanh các cấu trúc luôn nổi trên mặt nước của nhóm, và cho nó quyền hưởng các vùng biển như một đơn vị duy nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Thắng đến từ Hội Luật quốc tế Việt Nam. Cử nhân Trần Thị Kim Nguyên tốt nghiệp Đại học chuyên ngành luật quốc tế và là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Bản dịch có sự hiệu đính của tác giả.
Bản dịch thuộc bản quyền của tác giả, dịch giả và Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Bài đăng lại phải ghi rõ nguồn và dẫn link về Dự án.
Những tư liệu và bài viết liên quan: https://daisukybiendong.wordpress.com/tag/vu-kien-philippines-trung-quoc/