Sunday, February 7, 2016

Vạn lý Trường thành của nền kinh tế Trung Quốc

Việc đồng Nhân dân tệ mất giá gần đây, vốn đã gây ra sự rối loạn thị trường chứng khoán Trung Quốc khiến chính phủ phải cho ngưng giao dịch hai lần tuần trước, làm nổi bật lên một thách thức chủ đạo đối với nước này là làm sao để cân bằng nghĩa vụ tài chính trong nước và quốc tế. Cách thức mà giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp cận vấn đề này sẽ có ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đi đôi với sự phục hồi kinh tế đáng thất vọng của các nền kinh tế phát triển sau đó, đã làm dấy lên tính khẩn cấp đối với các nỗ lực của Trung Quốc trong việc cần phải chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế của mình từ một nền kinh tế dựa trên đầu tư và nhu cầu từ bên ngoài sang một nền kinh tế dẫn dắt bởi nhu cầu trong nước. Để điều chỉnh một sự chuyển dịch cấu trúc nền kinh tế như vậy mà không làm giảm đáng kể sự phát triển kinh tế là điều rất khó khăn đối với bất cứ nước nào.Thách thức còn lớn hơn đối với một nền kinh tế rộng lớn và phức tạp như Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phát triển chậm chạp như hiện nay.

Đã nhiều năm, chính phủ Trung Quốc muốn mở rộng sở hữu vốn tư nhân, nhằm mục đích cung cấp công cụ phục vụ cho công cuộc chuyển đổi thành công sang nền kinh tế thị trường cho nhiều người dân Trung Quốc hơn. Nhưng không giống như những nỗ lực của Mỹ trong việc gia tăng sở hữu nhà trong những năm trước khủng hoảng 2008, các chính sách của Trung Quốc đã đi quá xa, tạo ra một tình trạng không bền vững về tài chính và điều này đe dọa khả năng giá giảm nghiêm trọng và tình trạng rối loạn giá.

Hậu quả là, những thách thức đối với nhu cầu phải điều chỉnh đã gia tăng đáng kể. Khi các công ty của Trung Quốc không còn có khả năng bán số lượng hàng hóa tăng trưởng nhanh như trước ở nước ngoài cũng như là tiếp tục có khả năng nâng cao năng lực sản xuất, nền kinh tế Trung Quốc đã mất một số động cơ quan trọng bao gồm động cơ về tăng trưởng, việc làm và thu nhập. Hậu quả là nền kinh tế phát triển chậm đã làm suy yếu năng lực của chính phủ trong việc duy trì giá trị tài sản đã bị thổi phồng lên và tránh tình trạng thiếu hụt tín dụng.

Trong nỗ lực hạn chế các tác động có hại của tất cả những yếu tố này đối với tài sản (sự thịnh vượng) của người dân, giới lãnh đạo Trung Quốc đã làm đồng tiền yếu đi. Tiếp sau lần phá giá đồng Nhân dân tệ bất ngờ tháng 8 năm 2015 là những lần điều chỉnh tỷ giá trong nước hàng ngày, tất cả đều với mục đích làm cho hàng hóa của Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn ở nước ngoài và thúc đẩy thị trường trong nước sử dụng hàng nội địa thay vì hàng nhập khẩu. Đồng Nhân dân tệ thậm chí còn mất giá nhiều hơn ở thị trường ngoài nước.

Việc phá giá đồng Nhân dân tệ nhất quán với xu hướng xảy ra ở cả những nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế phát triển trong những năm vừa qua. Ngay sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, Mỹ dựa vào chính sách tiền tệ mở rộng với đặc tính là lãi suất gần như bằng không và mua tài sản với quy mô lớn để làm suy yếu đồng đô la, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu. Gần đây, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã tiến hành một biện pháp tương tự khi làm suy yếu đồng Euro để thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong khối. 

Tuy nhiên, khi theo đuổi các mục tiêu trong nước của mình, Trung Quốc đã không tính đến hậu quả gây ra khiến sự bất ổn tài chính toàn cầu càng trở nên trầm trọng hơn. Cụ thể là thị trường lo ngại rằng việc đồng Nhân dân tệ mất giá sẽ lấy mất phần tăng trưởng của các nước khác bao gồm cả những quốc gia có nhiều nợ nước ngoài và đệm tài chính kém linh hoạt hơn Trung Quốc, một quốc gia vốn có rất nhiều dự trữ ngoại hối.

Mối lo ngại này thậm chí còn liên quan nhiều hơn tới nghĩa vụ cân bằng nền tài chính toàn cầu mà Trung Quốc phải thực hiện khi muốn tham gia vào việc quản trị nền tài chính toàn cầu do quy mô kinh tế của Trung Quốc mang lại. Nói gì thì nói, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (thậm chí là lớn nhất thế giới theo một số phương pháp tính toán phi thị trường).

Và thực tế là gần đây Trung Quốc luôn thể hiện mối quan tâm sâu sắc hơn tới việc dần dần quốc tế hóa hệ thống tài chính của mình. Đáng lưu ý là gần đây Trung Quốc đã thuyết phục được quỹ tiền tệ quốc tế IMF thêm đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ vốn được dùng để xác định đơn vị dự trữ thanh toán của IMF (Special Drawing Right), đơn vị mà IMF sử dụng để giao dịch với 188 quốc gia thành viên của mình.

Bước đi đó của Trung Quốc đã đặt đồng Nhân dân tệ ngang hàng với các đồng tiền chính của thế giới bao gồm đồng đô la Mỹ USD, đồng Euro EUR, đồng bảng Anh GBP, và yên Nhật JPY, sẽ làm cho đồng Nhân dân tệ được chấp nhận rộng rãi hơn ở hệ thống tiền tệ toàn cầu trong cả khối chính phủ và tư nhân. Điều này cũng tạo ra kỳ vọng, mặc dầu không nhất thiết phải là nghĩa vụ, rằng Trung Quốc sẽ không làm cho sự bất ổn tài chính trầm trọng hơn.

Sẽ có một thời điểm khi mà các nghĩa vụ trong nước và quốc tế của Trung Quốc lại song hành. Nhưng bây giờ chưa phải thời điểm đó và có lẽ cũng còn khá lâu mới tới thời điểm đó, khi mà Trung Quốc còn đang phải đối mặt với công cuộc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế không hề suôn sẻ. Có vẻ là trước mắt Trung Quốc vẫn phải tiếp tục đặt nghĩa vụ trong nước lên trước, nhưng theo một cách thức nhằm tránh đi những bước ngoặt lớn mang tính phá hoại đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên liệu điều đó có đủ để tránh những hậu quả rối loạn không mong muốn hay không thì không được hoàn toàn đảm bảo.

--------- 

Mohammed A. El-Erian, “The Chinese Economy’s Great Wall”, Project-Syndicate, 11.1.2016. 

Gia Hoa dịch.