Sunday, February 7, 2016

Cảnh báo sai về tình hình Trung Quốc

Viễn cảnh về một cuộc suy sụp kinh tế ở Trung Quốc đã làm chấn động thị trường tài chính toàn cầu vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, nỗi lo ngại này đã bị thổi phồng. Mặc dù chúng ta không nên xem nhẹ tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán và tiền tệ Trung Quốc, đất nước này vẫn tiếp tục có những bước tiến đáng khích lệ trong việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Sự bất cân xứng giữa tiến bộ trong việc tái cân bằng kinh tế và thất bại trong cải cách tài chính cuối cùng phải được giải quyết khi Trung Quốc bước vào một giai đoạn quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới. Tuy vậy, điều này không hề báo hiệu một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.


Với bề dày kinh nghiệm trong việc kế hoạch hóa tập trung, Trung Quốc tiếp tục đạt nhiều thành tựu về tái cơ cấu nền kinh tế. Năm 2015 là một ví dụ. Trong năm này, các ngành dịch vụ đã tăng trưởng 8,3%, vượt xa mức tăng trưởng chung 6% của các ngành sản xuất và xây dựng từng ở vị trí thống lĩnh trước đây. Ngành dịch vụ chiếm tới 50,5% GDP của Trung Quốc trong năm 2015, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 47% được đề ra trong năm 2011, khi Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 được thông qua, và lớn hơn những 10% so với tỷ trọng 40,5% của các ngành sản xuất và xây dựng.

Thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc có vai trò vô cùng quan trọng đối với chiến lược tái cân bằng hướng vào người tiêu dùng. Việc phát triển các dịch vụ củng cố các cơ hội việc làm ở khu vực đô thị, giúp gia tăng thu nhập cá nhân. Với mỗi đơn vị sản lượng, ngành dịch vụ ở Trung Quốc cần nhiều hơn khoảng 30% công việc so với ngành sản xuất và xây dựng gộp lại, phát triển mạnh ngành dịch vụ đóng một vai trò quan trọng trong việc hạn chế tình trạng thất nghiệp và ngăn chặn bất ổn xã hội, điều mà Trung Quốc lo sợ từ lâu. Ngược lại, ngay cả khi đối mặt với tốc độ tăng trưởng GDP đang chậm lại, lượng công ăn việc làm được tạo ra ở khu vực đô thị vẫn đạt 11 triệu vào năm 2015, vượt mục tiêu 10 triệu của chính phủ, và tăng nhẹ so với mức 10,7 triệu trong năm 2014.

Tuy nhiên, bước tiến ấn tượng của Trung Quốc về tái cơ cấu kinh tế lại đi kèm với những thất bại đáng kể về tài chính, cụ thể là sự bùng nổ của bong bóng chứng khoán, sự thay đổi thiếu khôn khéo trong chính sách tiền tệ, và tình trạng rút vốn ồ ạt. Những điều này có ý nghĩa không hề nhỏ, đặc biệt đối với một đất nước phải cân đối cơ sở hạ tầng tài chính với xã hội tiêu dùng theo định hướng thị trường. Suy cho cùng, Trung Quốc sẽ không bao giờ thành công nếu những cải cách tài chính của đất nước này không được đồng bộ hóa một cách chặt chẽ hơn với chiến lược tái cân bằng nền kinh tế.

Cải cách thị trường vốn, đặc biệt là phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu mạnh mẽ hơn để hỗ trợ hệ thống tín dụng trung gian mà từ xưa đến này ngân hàng đóng một vai trò trung tâm, là một nhân tố quyết định. Tuy nhiên, do hậu quả của bong bóng thị trường chứng khoán, việc thu hút vốn thông qua kênh này gần như là vô vọng trong tương lai gần. Chỉ riêng lý do này thôi đã khiến những thất bại gần đây trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc trở nên vô cùng đáng thất vọng.

Song, thất bại không đồng nghĩa với khủng hoảng. Điều đáng mừng là dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc đã tạo một tấm nệm quan trọng giúp nước này ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tiền tệ và thanh khoản kinh điển. Tất nhiên, dự trữ của Trung Quốc đã giảm sút đáng kể đi 700 tỉ USD trong 19 tháng qua. Với việc gia tăng các khoản nợ có mệnh giá USD gần đây, khoản nợ mà Ngân hàng Thanh toán Quốc tế vừa đưa ra với trị giá một nghìn tỉ USD, bao gồm cả nợ ngắn hạn và dài hạn, nguy cơ chịu tác động từ môi trường bên ngoài khó có thể bỏ qua. Tuy vậy, với mức dự trữ 3,3 nghìn tỉ USD vào tháng 12 năm 2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn đủ để trang trải hơn 4 lần số nợ nước ngoài ngắn hạn của nước này, vượt xa mức quy định chung về khả năng trả nợ nước ngoài ngắn hạn trong trường hợp một nước không thể vay tiền trên thị trường quốc tế.

Tất nhiên, tấm nệm này sẽ mất hiệu lực trong vòng 6 năm nếu dự trữ ngoại hối đã tiếp tục giảm ở mức 500 tỉ USD hàng năm theo ghi nhận trong năm 2015. Đây cũng chính là nỗi sợ lớn nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, khi nhiều người nghĩ Trung Quốc sẽ nối bước các nền kinh tế phát triển thần kỳ khác ở Đông Á, những nước đã bị cạn kiệt dự trữ ngoại hối trong cuộc tấn công tiền tệ lan truyền từ nước này sang nước khác. Nhưng nếu điều này đã không xảy ra hồi đó, nó chắc chắn sẽ không xảy ra bây giờ. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện nay cao hơn 23 lần so với mức 140 tỉ USD trong giai đoạn 1997-1998. Hơn nữa, Trung Quốc tiếp tục có thặng dư tài khoản vãng lai lớn, trái ngược với sự thâm hụt đối ngoại quá mức, gây nghiêm trọng cho các nền kinh tế châu Á khác vào cuối những năm 1990.

Tuy nhiên, người ta vẫn lo ngại rằng nếu việc rút vốn ồ ạt trở nên trầm trọng hơn, Trung Quốc cuối cùng sẽ bất lực. Điều này khó có thể thành hiện thực. Trung Quốc cũng đã có kinh nghiệm sâu sắc về các cuộc khủng hoảng và hậu quả của chúng. Đặc biệt là trường hợp những năm cuối thập niên 1990, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc chứng kiến việc dự trữ ngoại hối liên tục giảm sút và khủng hoảng tiền tệ có thể tàn phá những nền kinh tế dường như bất khả chiến bại như thế nào. Trên thực tế, việc nhận ra điều đó, cùng với việc kiên định duy trì sự ổn định, đã thúc đẩy Trung Quốc khẩn trương tập trung tích lũy lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Mặc dù các nhà chức trách không muốn đóng tài khoản vốn sau khi đã thực hiện một số bước quan trọng để mở tài khoản này trong những năm gần đây, họ chắc chắn sẽ phải cân nhắc lại tình huống này nếu việc rút vốn ồ ạt trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng hơn.

Quả thực, Trung Quốc đã có những vấp váp trong việc thực hiện nhiều cải cách tài chính gần đây. Thất bại trên thị trường cổ phiếu, cũng như việc không làm rõ được mục tiêu của chính phủ trong thay đổi chính sách tỷ giá hối đoái hồi tháng 8 năm 2015, đã minh họa rõ nét cho vấn đề này. Những sai lầm này không thể coi nhẹ, đặc biệt khi Trung Quốc luôn cam kết thực hiện cải cách dựa vào thị trường. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng mà nhiều người tin rằng sắp bùng nổ còn xa mới xảy ra ở Trung Quốc. 

--------- 

Stephen S. Roach, “False Alarm on China”, Project-Syndicate, 26.1.2016. 

Hà Khanh dịch.