Tuesday, January 17, 2017

Công cuộc cải tổ của Trung Quốc

Keyu Jin, “Overhauling China”, Project-Syndicate, 11.2.2016.

Công cuộc cải tổ của Trung Quốc

Gia Hoa dịch.

=======================

Bi quan về nền kinh tế Trung Quốc (TQ) đã lan rộng trong những tháng gần đây cùng với nỗi lo sợ về sự sụp đổ của TQ đã truyền đi những cơn sốc tới thị trường chứng khoán trên toàn thế giới từ đầu năm nay. Và dường như tất cả mọi người đều tin rằng nền kinh tế TQ sẽ đi xuống.



Đương nhiên là có rất nhiều lý do để lo ngại. Tăng trưởng GDP đã giảm đáng kể, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp cao nhất từ trước tới nay; giá trị của đồng Nhân dân tệ (NDT) trượt dốc, thị trường chứng khoán biến động bất thường và nguồn vốn đang chảy ra khỏi TQ với tốc độ báo động. Câu hỏi đặt ra là tại sao điều nay lại đang xảy ra và liệu chính quyền TQ có thể giải quyết vấn đề trước khi quá muộn không.
Quan điểm phổ biển và chính thức cho rằng TQ đang trải qua công cuộc chuyển giao sang một mức tăng trưởng thấp hơn và được dẫn dắt bởi tiêu dùng nội địa hơn là xuất khẩu. Và cũng như thường lệ, có khá nhiều nghiên cứu kinh tế đã lý giải khái niệm này. Sự lý giải này tuy có nhiều thuận lợi nhưng chỉ mang lại sự an ủi giả tạo.


Vấn đề của TQ không phải là đất nước này đang ở trong giai đoạn chuyển giao. Vấn đề là khu vực kinh tế nhà nước đang bóp nghẹt khu vực kinh tế tư nhân. Giá đất rẻ, chi phi vốn rẻ và các ưu đãi đối với các doanh nghiệp quốc doanh đã làm suy yếu sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân vốn luôn phải chịu chi phí vay vốn cao và thường phải phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ gia đình hay bạn bè. Hậu quả là rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đã từ bỏ ngành kinh doanh chính của mình để đầu cơ vào thị trường chứng khoán và bất động sản.


Các hộ gia đình TQ cũng bị đè nén. Chỉ trong 15 năm, thu nhập của hộ gia đình đã giảm từ 70% GDP xuống còn 60% GDP. Trừ khi các gia đình TQ có thể nhận được tỷ lệ thích hợp của những lợi ích của tăng trưởng kinh tế, khó có thể tưởng tượng làm thế nào mà sức tiêu dùng có thể tăng lên. Rõ ràng là, TQ phải thực hiện những bước đi cứng rắn nhằm phát triển sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân và tăng trưởng nhu cầu của hộ gia đình.


TQ đã chứng minh khả năng thực hiện những cải cách triệt để của mình nhằm làm giảm những thiệt hại và vẫn giúp tăng trưởng kinh tế và xử lý nợ dư thừa. Trong những năm cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước, mức tăng GDP thấp (mức tăng trưởng hàng năm theo đầu người giảm xuống mức 2% năm 1989) và mức tăng các khoản nợ xấu (các khoản vay không hoạt động) đã tạo tiền đề cho nguy cơ sụp đổ kinh tế.


Điều này không bao giờ xảy ra. Thay vào đó, chính phủ TQ đưa ra một số cải cách bao gồm tư nhân hóa trên diện rộng các ngành công nghiệp và xóa bỏ sự điều tiết giá cả và các chính sách bảo hộ. Khi tỷ lệ lao động trong ngành phi nông nghiệp giảm từ 30% trong những năm 95 xuống còn 13% năm 2007, năng suất của khu vực kinh tế tư nhân tăng trung bình 3 đến 7 % từ năm 1998 tới 2007. Năng suất lao động của khu vực kinh tế nhà nước còn tăng nhanh hơn ở mức 5.5% hàng năm. Sự tăng trưởng này đóng góp 1/3 vào tăng trưởng GDP của TQ, vốn đã tăng lên mức tăng 2 con số trong giai đoạn này. Một bước tiến mạnh dạn nữa của TQ là TQ gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO năm 2001, cũng là một nhân tố chính đối với thành công này.


Tuy nhiên, lần này nhiệm vụ của chính phủ TQ đã trở nên phức tạp hơn do những rào cản về chính trị và xã hội. Những cải cách về kinh tế mà TQ cần tới lúc này sẽ dẫn tới cải cách về chính trị nhưng nỗi lo sợ về xã hội thay đổi trật tự và náo loạn đã kìm hãm những cải cách về chính trị này. Nếu TQ muốn tránh suy giảm kinh tế, TQ cần phải cải tổ nền chính trị của mình và hệ thống triết học đằng sau nó mà không gây ra bất cứ bất ổn chính trị nào.


Một tin tốt là TQ đã có tiền lệ thành công thực hiện điều này. Suy cho cùng, đó là bước dịch chuyển then chốt cốt lõi để tạo ra sự phát triển kinh tế trong 35 năm của TQ. Sự dịch chuyển đó đã đặt phát triển kinh tế quan trọng hơn tất cả những thứ khác, với sự phát triển kinh tế được bảo vệ, coi trọng và hưởng ân xá nếu cần thiết.


Một sự dịch chuyển về tư tưởng tương tự là cần thiết hiện tại, có điều là lúc này trọng tâm cần phải là sự phát triển về thể chế. Sự phát triển dài hạn và bền vững dựa vào nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động và sáng tạo chỉ có thể xảy ra dưới một thể chế hiệu quả và điều này yêu cầu những thay đổi căn bản đối với hệ thống chính trị và quản lý.


Chỉ khi TQ bỏ các đặc quyền và xây dựng một chế độ quản lý hiệu quả hơn và tuân theo pháp luật thì TQ mới có thể thực hiện được những cải cách cần có.


Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn do những xung đột ngày càng tăng trong xã hội như những xung đột giữa nông thôn và thành thị, giữa các ngành công nghiệp, và giữa khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước. Mối lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn về sự phản đối của số đông và sự bất ổn dân sự đang ngăn trở quyết tâm thay đổi của chính phủ. Nhưng với những nỗ lực phối hợp để tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn nhằm làm cho nhiều người hơn được hưởng lợi từ miếng bánh kinh tế, đó là chưa kể tới một hệ thống quản trị minh bạch và mạng lưới an toàn xã hội tốt hơn, chính phủ TQ có thể củng cố tính hợp pháp và sự tin tưởng của người dân. Điều này cũng sẽ củng cố khả năng đảm bảo sự ổn định của chính quyền.


Kinh nghiệm của Trung Quốc trong những năm thập niên 90 của thế kỷ trước cho thấy rằng đất nước này có thể vượt qua những khó khăn hiện tại. Với những cải cách chính mới được thực hiện một nửa, có những cơ hội rất lớn để tiếp tục tăng trưởng bền vững dựa trên nền tảng của năng suất và hiệu quả thay vì chỉ dựa vào tiêu dùng. Một khi những biến dạng bị xóa bỏ và các nguồn lực bao gồm nguồn nhân lực, vốn và tài năng được phân bổ một cách hiệu quả hơn, TQ có thể tiếp tục hành trình đi tới mục đích đạt được thu nhập cao.


Chính phủ TQ có thể sẽ gặp khó khăn ban đầu; suy cho cùng thì tự phẫu thuật chính bản thân mình là điều rất khó bắt đầu và thậm chí còn khó hơn để đi đúng hướng. Nhưng nếu tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn, vốn là một điều rất có khả năng xảy ra, chính phủ sẽ không thể trì hoãn được các hành động cần thiết. Thời gian tốt đẹp có thể dẫn tới khủng hoảng ở phương Tây; ở TQ chính khủng hoảng sẽ mang lại những thời gian tốt đẹp hơn.