Tác giả: Mạnh Kim
Rồi từng người của thế hệ vàng son kiến tạo ra nền văn hóa vàng son lần lượt ra đi. Quy luật nghiệt ngã của thời gian không ai cưỡng lại được. Điều đáng tiếc là di sản văn hóa của thế hệ vàng son gần như chỉ được lưu giữ ở những người thuộc vài thế hệ kế tiếp và giờ ngày càng mờ dần đi theo năm tháng, trong khi sự đứt gãy văn hóa đã không được tiếp nối bằng những thế hệ ngang tài và ngang tầm. Sẽ không bao giờ văn hóa Việt Nam tạo ra được sự rung cảm dữ dội và mang lại sự chấn động tâm thức khơi dậy tình người và tình quê hương như những gì mà thế hệ của những Nguyễn Văn Đông làm được, chừng nào nghệ sĩ còn quỳ cúi trước mệnh lệnh cung đình và tự do sáng tạo còn chưa được cởi mở.
Dưới đây là một đoạn hồi ký của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, chép lại như một cách để tưởng nhớ ông (nguồn: trang Mượn Dấu Thời Gian)

Vào năm 1956, đơn vị tôi đóng quân ở Chiến khu Đồng Tháp Mười, được xem là mặt trận tiền tiêu nóng bỏng vào thời bấy giờ. Khi ấy, tôi mang cấp bực Trung úy, mới 24 tuổi đời, còn bạch diện thư sinh. Tuy hồn vẫn còn xanh nhưng tâm tình đã nung trong lửa chín ở quân trường. Chính tại Đồng Tháp Mười, vùng đất địa linh nhân kiệt, đã gợi hứng cho tôi sáng tác những bản hùng ca như "Súng Đàn", "Vui Ra Đi", một thuở được hát vang trong Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu. Rồi tiếp sau đó là các bản nhạc “Phiên Gác Đêm Xuân”, “Chiều Mưa Biên Giới”, “Sắc Hoa Màu Nhớ” được ra đời cũng tại vùng đất thiêng này. Khi đi vào vùng hỏa tuyến, là chàng trai trẻ độc thân, với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong balô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến đầu đời.